Đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng
Do đó, ngành nông nghiệp các địa phương đang khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đăng ký mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, nhằm tạo "hộ chiếu" cho nông sản vươn ra thế giới.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, 5 vùng sầu riêng được cấp mã số vùng trồng. Tất cả phải đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy chuẩn xuất khẩu, như: canh tác theo hướng hữu cơ, ghi nhật ký canh tác, sử dụng hệ thống nước tưới, bón phân tự động…
Sau khi được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu, sản phẩm sầu riêng đã được doanh nghiệp và thương lái chủ động tìm đến hợp tác, thu mua với mức giá cao hơn so cùng kỳ năm trước.
"Khi chuyển đổi sang trồng sầu riêng, không chỉ quan tâm về số lượng mà còn nâng cao chất lượng, làm cho giá trị gia tăng của quả sầu riêng cao", anh Đoàn Đức Hòa, xã Xà Bang, huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu, chia sẻ.
"Hợp tác xã (HTX) 9 Bê được cấp mã vùng nên đầu ra sẽ ổn định, không lệ thuộc vào thương lái", ông Nguyễn Hữu Bê, Giám đốc HTX Sầu riêng 9 Bê, xã Láng Lớn, Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết.
Thu hoạch bưởi da xanh trong một trang trại của người dân ở xã Sông Xoài, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. (Ảnh: TTXVN)
Trước sầu riêng, nhãn xuồng cơm vàng và bưởi da xanh của Bà Rịa - Vũng Tàu cũng được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.
Sau khi khi gần 30 ha nhãn của HTX Nhân Tâm, huyện Xuyên Mộc được cấp mã số vùng trồng gắn với sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, việc xuất khẩu trái nhãn của HTX sang thị trường Trung Quốc đã thuận lợi hơn và chuẩn bị xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản.
"Xây dựng mã số vùng trồng mang lại quyền lợi và giá trị kinh tế rất cao nhằm quản lý về canh tác, sử dụng chất cấm, nhằm bán hàng cho đối tác tin tưởng và nhu cầu của họ cần đáp ứng được", ông Phan Thế Hoành, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Tâm, Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu, cho hay.
Tính đến tháng 4, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cấp 21 mã số vùng trồng sầu riêng, bưởi da xanh, chuối, xuất khẩu đến các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Australia, Nhật Bản với sản lượng ước gần 13.000 tấn.
"Lợi thế cạnh tranh của nông sản Bà Rịa - Vũng Tàu là có, nhưng để tiến đến xuất khẩu thì phải thay đổi phương thức canh tác, sản xuất phải có chứng nhận, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường", ông Nguyễn Chí Đức, Chi Cục trưởng Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu, nhận định.
Ở thị trường nội địa, sản phẩm có mã số vùng trồng cũng là lợi thế để các hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi tiếp nhận.
Vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang tập trung hỗ trợ, thiết lập, cấp mã số cho các vùng trồng; đồng thời kiểm tra, giám sát và quản lý mã số vùng trồng; kịp thời chấn chỉnh, phòng ngừa các trường hợp vi phạm để bảo vệ uy tín, thương hiệu nông sản địa phương.
Những mắt xích quan trọng của mã số vùng trồng
Việc xây dựng mã số vùng trồng trên cây ăn trái đã giúp chuyển biến nhận thức của bà con nhà vườn, trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từng bước tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, nhờ vậy đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường các nước nhập khẩu, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, so với canh tác theo kiểu truyền thống. Tuy nhiên, để mã số vùng trồng thực sự phát huy hết hiệu quả cần sự phối hợp của nhiều đơn vị liên quan.
"Để chuyển giao các quy trình cũng như những sản phẩm tối ưu, hiệu quả nhưng an toàn đến với bà con, chúng tôi vẫn phải có các cái cán bộ kỹ thuật là những kỹ sư có kinh nghiệm. Chúng tôi đến thăm vườn thường xuyên để phối hợp với chi cục, trạm và hợp tác xã để hướng dẫn bà con quản lý dịch bệnh tốt, có được năng suất cao", ông Hà Quí Mai, Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật Sài Gòn, thông tin.
"Sau khi được quy hoạch vùng trồng đủ diện tích hecta theo quy định thì chúng tôi sẽ quản lý vùng nguyên liệu đó, cùng với nông dân cải thiện cái vùng trồng, từ quy trình sản xuất cho tới trước khi thu hoạch và sau khi thu hoạch và về nhà đóng gói. Chúng tôi sẽ làm như thế nào để có một sản phẩm hoàn thiện đúng như nước nhập khẩu đã quy định", bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Bến Tre, cho biết.
Cùng với việc tiếp tục xây dựng thêm nhiều mã số mới cho vùng trồng cây ăn trái, nhằm tạo ra sản lượng hàng hóa đủ lớn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, các ngành chức năng ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng chú trọng đến công tác quản lý các mã số vùng trồng đã được cấp, nhằm tránh việc "đánh tráo" mã số giữa các sản phẩm có cùng chủng loại trên thị trường.
"Để tránh tình trạng có những hợp tác xã khác hoặc ở những vùng khác người ta chưa được cấp mã số thì người ta sẽ cho lẫn lộn các sản phẩm vào, hiện nay các hợp tác xã đều nhận thức rõ vấn đề này và họ định hướng được sản lượng của của hợp tác xã mình dự kiến là bao nhiêu và khi liên kết, họ chỉ liên kết với sản lượng họ có, họ không liên kết cao hơn sản lượng họ có", bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi Cục trưởng Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, cho hay.
"Đối với những bà con, doanh nghiệp nào đã sử dụng mã số vùng trồng để xuất khẩu thì trước hết những người đó phải ý thức đó là quyền lợi của họ và họ phải cố gắng gìn giữ, đảm bảo cam kết để làm sao uy tín của mã số vùng trồng này được đảm bảo. Như vậy, việc xuất khẩu trái cây mới được ổn định và sản xuất mới được bền vững", Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Hâu, Trường Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ, nhận định.
Các Hiệp định thương mại đang mở ra cơ hội cho nhiều loại trái cây hàng hóa ở vùng đồng bằng tiếp tục vươn xa ra thị trường thế giới. Kỳ vọng năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu sẽ đạt lên 4 tỷ USD. Để đạt được điều đó, cần có sự chung tay, đồng lòng của các cơ quan chuyên môn, người sản xuất và doanh nghiệp để liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững. Trong đó, tập trung "xây dựng mã số vùng trồng" được xem là hướng đi quan trọng để cơ hội xuất khẩu rộng mở hơn trong tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!