Mía, sầu riêng, rau màu... thu lãi lớn dịp giáp Tết

PV-Thứ sáu, ngày 02/02/2024 15:26 GMT+7

Giá sầu riêng tăng mạnh trong những ngày giáp Tết

VTV.vn - Tin vui đến với những người nông dân tại các tỉnh miền Tây khi giá mía, sầu riêng và rau màu... những ngày giáp Tết tăng cao, mang lại cho họ nguồn thu nhập hấp dẫn.

Tỉnh Trà Vinh có vùng mía nguyên liệu tại huyện Trà Cú. Trồng mía là nghề truyền thống, từng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hơn 5.000 hộ dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer của địa phương sản xuất trên tổng diện tích hơn 4.000 ha. Tuy nhiên, nhiều vụ sản xuất bị thua lỗ nặng khiến vùng mía nguyên liệu này liên tục bị thu hẹp. Niên vụ mía 2023-2024, huyện Trà Cú chỉ còn hơn 1.200 ha.

Nông dân tỉnh Trà Vinh đang vào vụ thu hoạch mía nguyên liệu niên vụ 2023-2024, với niềm vui trúng mùa, được giá. Đây là năm thứ 3 liên tiếp người trồng mía có lợi nhuận sau nhiều năm liên tục bị thua lỗ nặng nề.

Niên vụ này, Công ty Mía đường Trà Vinh thu mua mía nguyên liệu đạt 10 chữ đường tại ruộng với giá 1.280 đồng/kg, cao hơn 30 đồng so với vụ trước. Đối với các hộ trồng mía ngay từ đầu vụ có ký kết hợp đồng với công ty còn hỗ trợ thêm 50 đồng/kg sau khi hoàn thành hợp đồng. Đây là mức giá mua mía nguyên liệu cao nhất từ trước đến nay.

Mía, sầu riêng, rau màu... thu lãi lớn dịp giáp Tết - Ảnh 1.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp người trồng mía có lợi nhuận sau nhiều năm liên tục bị thua lỗ nặng nề

Chính vì vậy, người dân trồng mía ở địa phương rất phấn khởi bởi lãi cao. Niên vụ 2023-2024, xã có gần 600 hộ chủ yếu là đồng bào Khmer trồng mía trên tổng diện tích 524 ha; đến nay đã thu hoạch hơn 90% diện tích, với năng suất bình quân đạt trên 110 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí đầu tư, nông dân đạt lợi nhuận bình quân từ 50-70 triệu đồng/ha. Đây là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay. Dự kiến các hộ trồng mía thu hoạch dứt điểm trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Theo dự đoán của ngành nông nghiệp địa phương, do lãi cao nên niên vụ tới, các hộ trồng mía đang bỏ hoang đất sẽ khôi phục diện tích sản xuất, phát triển lên khoảng 550 ha.

Cũng tại Trà Vinh, hàng nghìn nông dân trong tỉnh Trà Vinh chuyên trồng rau màu phấn khởi nhờ nhu cầu thị trường những ngày gần Tết Nguyên đán tăng mạnh và giá rau màu các loại tăng cao từ 5.000 – 10.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm 2024.

Ông Thạch Thanh, hộ chuyên trồng rau màu ở xã Hoà Lợi, huyện Châu Thành cho biết, gia đình ông có 2.000 m2 đất trước đây trồng lúa được chuyển sang chuyên trồng rau màu. Ở vụ trồng rau Tết, ông bố trí trồng nhiều loại, như: cà chua, dưa leo, cải xanh, rau thơm các loại. Ngay từ đầu tháng 2, giá các loại rau, cải được các chủ vựa tại chợ tỉnh Trà Vinh tăng lượng thu mua với mức giá từ 22.000 – 25.000 đồng/kg. Nhờ vậy, gia đình ước tính có thu nhập khoảng 30 triệu đồng ở vụ rau màu Tết từ 2.000 m2 đất.

Theo khảo sát của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Trà Vinh, vụ màu Đông Xuân 2023 – 2024, nông dân trong tỉnh xuống giống gần 13.000 ha; trong đó, diện rau màu thực phẩm như: rau các loại, cải xanh, bí đỏ, dưa hấu,... chiếm gần 7.600 ha, tăng hơn 1.000 ha so cùng kỳ. Nhu cầu rau màu phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán 2024 đang hút hàng. Nhiều đại lý, vựa rau - củ - quả đang tăng lượng mua để cung ứng cho các thị trường lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Thêm một tin vui với những người nông dân các vùng chuyên canh sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang khi giá sầu riêng đang tăng mạnh. Những ngày qua, thương lái thu mua sầu riêng giống Mong Thong tại vườn giá 160.000 - 170.000 đồng/kg, sầu riêng giống Ri6 cũng có giá từ 125.000 - 135.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay và tăng gần gấp ba cùng kỳ năm trước. Với giá này, mỗi ha sầu riêng thu hoạch vào thời điểm hiện nay cho nông dân lợi nhuận ròng từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng.

Được biết, giá sầu riêng tăng mạnh trong những ngày giáp Tết nhờ là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng của quốc gia nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng. Đặc biệt, sầu riêng được chấp nhận xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới đang mang lại niềm vui chung cho nông dân trồng chuyên canh sầu riêng.

Việc được xuất khẩu chính ngạch là lợi thế giúp sầu riêng trở thành cây trồng cho thu nhập cao nhất, có lợi thế cạnh tranh tại địa phương. Do vậy, dư địa còn nhiều mà các cấp, các ngành và đơn vị xuất khẩu cần tận dụng cơ hội khai thác, giúp phát triển bền vững vùng chuyên canh sầu riêng, thúc đẩy đổi mới nông nghiệp - nông dân - nông thôn, nâng cao đời sống người dân.

Thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang tiếp tục nắm bắt, cập nhật kịp thời tình hình xuất khẩu, nhất là diễn biến nóng tại các cửa khẩu như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang… để thông tin đến doanh nghiệp, hợp tác xã. Từ đó đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, góp phần giải quyết đầu ra cho trái cây nói chung và trái sầu riêng đặc sản Tiền Giang nói riêng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước