Ngày 2/8, Microsoft xác nhận hãng đang đàm phán với công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance để mua ứng dụng TikTok tại Mỹ.
Ông lớn công nghệ Mỹ ra thông cáo cho biết sẽ tiếp tục làm việc với chính phủ Mỹ về thỏa thuận và dự kiến hoàn tất đàm phán hôm 15/9 – thời điểm mà Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ cấm TikTok nếu các thương vụ liên quan đến ứng dụng này không thành.
Hiện không rõ Microsoft sẽ phải trả bao nhiêu và mất bao lâu để mua được TikTok Mỹ. Báo cáo trên Reuter cho hay, một số nhà đầu tư đang định giá TikTok vào khoảng 50 tỷ USD.
Vì thế có nhiều khả năng Microsoft sẽ phải trả nhiều hơn 26,2 tỷ USD, số tiền kỷ lục mà công ty này đã bỏ ra để mua lại LinkedIn vào năm 2016. Đây cũng là thương vụ mua lại lớn nhất của Microsoft cho đến thời điểm này.
Việc Microsoft đàm phán mua lại TikTok khiến nhiều người ngạc nhiên bởi ứng dụng này có mối quan hệ rất lỏng lẻo với những chiến lược cốt lõi của đại gia phần mềm này
Chuyên gia Matt Weinberger của tờ Business Insider nhận định, đây là một động thái "kỳ lạ" với Microsoft vì TikTok dường như có mối quan hệ rất lỏng lẻo với những chiến lược cốt lõi khiến công ty này thành công 6 năm qua dưới "triều đại" của CEO Satya Nadella.
Thực ra, thương vụ với TikTok không hẳn là "xấu" với Microsoft nếu xét về tiềm năng của mạng xã hội video này. Tờ Wall Street Journal dẫn lời đại diện của ByteDance, công ty mẹ của TikTok cho rằng ứng dụng này trong một ngày không xa sẽ trở thành đối thủ trực tiếp với Facebook. Và những tranh cãi chính trị xung quanh ByteDance và TikTok sẽ là cơ hội duy nhất của Microsoft tại thị trường này.
Bàn tay vàng Satya Nadella có hiệu nghiệm với TikTok?
Những thương vụ thành công trước đây của Satya Nadella khiến nhiều người đặt niềm tin về chiến lược mua lại của vị CEO người Mỹ gốc Ấn này. Cho tới nay việc mua lại LinkedIn, dịch vụ chia sẻ GitHub, nhà sản xuất "Minecraft" Mojang đều rất thành công. Tất cả đều vận hành tốt như những công ty con độc lập.
Nadella về cơ bản đã có được "cảm giác vàng" kể từ khi trở thành CEO của Microsoft và thật khó để tranh luận về bất kỳ vụ mua lại nào mà công ty đã thực hiện trong năm năm qua
Nhà phân tích Dan Ives của Wedbush Securities
Microsoft đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump bật đèn xanh trong thương vụ TikTok. Nhiều người cũng tin rằng, chiến lược gia kỳ cựu Satya Nadella cũng đã biết phải làm gì để giữ TikTok thành công trong khi vẫn phải đảm bảo thu hồi được số tiền đã phải bỏ ra ban đầu.
Nhưng có một thực tế là một trong những yếu tố giúp Microsoft thành công trong những năm qua, đó chính là giữ những gì chiến lược và "buông bỏ" những thứ không còn hiệu quả nữa.
Tại Microsoft, trong 6 năm làm CEO, mọi thứ Satya Nadella chạm vào đều biến thành "vàng"
Dưới thời Nadella, lĩnh vực điện toán đám mây và hiệu suất sản phẩm của Microsoft đã tăng gấp đôi. Microsoft Azure và Office 365 là hai con bài chiến lược. Chiến thuật này đã giúp cổ phiếu của Microsoft tăng khoảng 33% trong năm nay, qua đó giúp công ty đạt mức vốn hóa thị trường là 1,6 nghìn tỷ USD.
Đăt trọng tâm vào một số mảng nhưng Microsoft dưới thời Nadella cũng biết rút lui rất kịp thời ra khỏi những mảng kinh doanh được dự báo là sẽ rất khó khăn như tiêu dùng.
Gần đây nhất, công ty đã chính thức đóng cửa dịch vụ Mixer, đối thủ của những dịch vụ livestream như YouTube hay Twitch của Amazon, hay đóng cửa hết các cửa hàng bán lẻ. Trước đó, công ty nghìn tỷ USD cũng đã ra tay "hạ màn" với Groove Music Pass, một đối thủ của Spotify.
Ví dụ lớn nhất là vào năm 2015, Nadella đã hủy hợp đồng mua lại nhà sản xuất điện thoại thông minh Nokia vì biết một sự thật rằng, điện thoại Windows của Microsoft sẽ không bao giờ sẽ bắt kịp iPhone và điện thoại Android. Năm 2017, Microsoft khai tử Windows 10 Mobile, phiên bản hệ điều hành Windows cuối cùng dành cho điện thoại thông minh.
Microsoft có phần hụt hơi trong mảng tiêu dùng trong thời gian, và đây với cơ hội mang tên TikTok, họ sẽ trở lại?
Thương hiệu tiêu dùng lớn nhất mà Microsoft còn để lại là Xbox. Và nếu nói về một tiềm năng nào đó về việc tích hợp TikTok với các sản phẩm hiện có của Microsoft thì chỉ có thể là tích hợp giao diện điều khiển Xbox để chia sẻ các video clip, trò chơi ngắn.
Tuy nhiên thất bại của Mixer vẫn đủ mới để công ty cảnh giác về một sự kết hợp như vậy.
Phần thưởng khi sở hữu TikTok là gì?
Tất cả những ví dụ ở trên nói lên một điều rằng, Microsoft đang giảm dần chi tiêu ở mảng tiêu dùng. Giữa bối cảnh đó, việc ông lớn công nghệ mua lại TikTok cũng không phải là "tệ".
Sự nổi tiếng của ứng dụng video này có thể là một bước ngoặt hấp dẫn để Microsoft tiến vào thị trường truyền thông mạng xã hội dù cho họ sẽ phải bắt đầu ngay ở vạch xuất phát.
Trong khi Xbox và game đã thành công, Microsoft với thỏa thuận này sẽ đặt cược mạnh mẽ để thay đổi chiến lược tiêu dùng bằng một ứng dụng mạng xã hội lớn
Chuyên gia Dan Ives của Wedbush Securities
Bên cạnh đó, bước đi này có thể là sự cụ thể hóa lời nói của Nadella rằng ông coi sự phát triển lâu dài của Microsoft là ưu tiên hàng đầu.
Năm 2017, Nadella nói với các nhà phân tích phố Wall rằng ông tự hào là sau hơn bốn thập kỷ kinh doanh, Microsoft vẫn xuất hiện thường xuyên trên Techmeme, trang tổng hợp tin tức nổi tiếng ở Thung lũng Silicon.
Mua lại TikTok sẽ là nhân tố quan trọng cho tương lai dài hạn của Microsoft?
Thêm vào đó, nếu thành công với thương vụ TikTok, Microsoft sẽ được xem là người hùng đã cứu ứng dụng xã hội này khỏi lệnh cấm của Tổng thống Donald Trump.
Sự thiện chí đó cũng có thể làm xoa dịu nỗi sợ hãi rằng, sự quản lý của Microsoft sẽ thay đổi (hoặc loại bỏ) những gì người dùng đang thích ở ứng dụng này. Đây sẽ là những phần thưởng tinh thần cực lớn cho Microsoft
Phần thưởng lớn, rủi ro cao
Chuyên gia Matt Weinberger của tờ Business Insider đã chỉ ra 3 rủi ro kinh doanh với Microsoft, trong số đó phần lớn liên quan đến sự thiếu kinh nghiệm của công ty với các ứng dụng mạng xã hội như TikTok.
Đầu tiên là rủi ro danh tiếng vốn xuất hiện bất cứ khi nào một thương hiệu lớn thâu tóm một đứa "con cưng" của thị trường.
Từ vụ Disney mua Star Wars hay Yahoo mua lại Tumblr đều ít nhiều gây nên những phản ứng tâm lý không tốt cho người dùng. Mọi người hết sức cảnh giác trước những thay đổi sau khi các công ty "đổi chủ". Thực tế TikTok hiện đang sở hữu một lượng người sử dụng chuyên biệt và rất trung thành.
Bất cứ thay đổi nào của TikTok cũng rất dễ khiến người dùng, nhất là cộng đồng trẻ, mất lòng. Khi đó hậu quả khó mà đo đếm.
Khi thuộc sở hữu của Microsoft, TikTok có còn hấp dẫn?
Mối đe dọa thứ hai chỉ cần gói gọn trong 1 từ: Facebook.
"Nếu TikTok có mô hình giống như Instagram (mà chúng tôi tin là như vậy) Microsoft sẽ bỏ lỡ một cơ hội vàng", Ives viết.
Nếu TikTok trở thành phiên bản Snapchat tiếp theo, sẽ có một loạt vấn đề về tăng trưởng và kiếm tiền từ người dùng trong tương lai. Việc mua lại này có thể làm giảm giá trị công ty theo thời gian vì sự cạnh tranh quá lớn từ Facebook và những đối thủ khác
Microsoft có thể rất nghiêm túc với thị trường truyền thông xã hội nhưng mô hình kinh doanh cho những ứng dụng như thế này không hề đơn giản.
Rủi ro cuối cùng và có thể dự đoán được trước đó là yếu tố chống độc quyền. Trong khi Microsoft đã tránh được sự giám sát của cơ quan quản lý mà điển hình nhất là vắng mặt khỏi phiên điều trần quy tụ nhóm Big Tech tuần qua, thì thương vụ này có thể kéo công ty vào cây "thập tự giá" của chính quyền Trump trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc leo thang. Điều này có thể gây đau đầu hơn bất cứ lợi ích nào mà TikTok mang lại.
Từ tất cả những phân tích trên, có thể thấy, nếu thương vụ với TikTok thành công thì bước đi này "bất ngờ" nhưng có thể đem lại những "tiềm năng" lớn cho Microsoft.
Kết quả thì chưa biết như nào như đây chắc chắn là thử thách khó khăn nhất trong các thử thách với "tay lão luyện" Nadella. Nếu thành công nó sẽ đưa tên tuổi của ông đi vào lịch sử. Nhưng nếu thất bại, hậu quả sẽ khôn lường.
Tất cả đang chờ vào tài năng của Satya Nadella