Mỏ đất hiếm giúp tăng tốc chuyển đổi xanh ở châu Âu

VTV Digital-Thứ tư, ngày 18/01/2023 17:31 GMT+7

VTV.vn - Công ty khai khoáng thuộc sỡ hữu nhà nước Thụy Điển LKAB thông báo đã phát hiện mỏ đất hiếm có trữ lượng lớn nhất ở châu Âu tính đến nay.

Sự phát hiện này được xem có thể giúp châu Âu tăng cường sự tự chủ đối với các nguyên liệu thiết yếu trong các ngành công nghiệp quan trọng, cũng như quá trình chuyển đổi xanh ở châu Âu. Mỏ đất hiếm vừa được phát hiện có trữ lượng 1 triệu tấn quặng oxide, nằm ở thành phố Kiruna, vùng cực bắc của Thụy Điển.

Ông Jan Mostorm - Chủ tịch kiêm CEO công ty LKAB cho biết: "Chúng tôi có thể khẳng định rằng đây là mỏ đất hiếm lớn nhất từng được phát hiện tại châu Âu, sự phát hiện này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với sự chuyển đổi của chúng ta từ động cơ đốt trong sang động cơ điện".

Đất hiếm là một nhóm gồm 17 khoáng sản kim loại đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình sản xuất pin xe điện, tuabin gió cũng như các thiết bị điện tử. Đây đều là ngành công nghiệp đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế thế giới ngày nay và càng trở nên thiết yếu hơn khi châu Âu đang nỗ lực thúc đẩy việc chuyển đổi sang các ngành công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường như sản xuất xe điện và năng lượng tái tạo.

EU đã đưa ra kế hoạch RepowerEU, trong đó có đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng tái tạo, thoát khỏi sự phụ thuộc năng lượng từ Nga. Các nước thành viên như Pháp, Đức, Na Uy cũng đẩy nhanh các dự án năng lượng sạch.

"Châu Âu cần làm tốt hơn nữa trong việc xây dựng ngành công nghệ sạch của riêng mình. Chúng tôi không còn nhiều thời gian để đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng sạch công nghệ sạch trước khi nền kinh tế nhiên liệu hóa thạch trở nên lỗi thời", bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) nói.

Mỏ đất hiếm giúp tăng tốc chuyển đổi xanh ở châu Âu  - Ảnh 1.

Thụy Điển vừa phát hiện mỏ đất hiếm được cho là lớn nhất ở châu Âu. Ảnh: Euroweeklynews.

Sự phát hiện của mỏ đất hiếm ở Kiruna, vì vậy là một tin mừng với ngành công nghiệp xanh của châu Âu, giúp châu lục này giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu.

Tính đến thời điểm năm 2021, châu Âu vẫn còn nhập khẩu tới 99% lượng đất hiếm cần thiết cho các ngành công nghiệp quan trọng, hầu hết trong số đó đến từ Trung Quốc.

Ông Jan Mostorm cho hay: "Giá trị quy đổi thành tiền của 1kg hoặc 2kg kim loại đất hiếm không nhiều, nhưng nếu không có đất hiếm thì bạn chẳng sản xuất được cái gì cả".

"Liệu có thể kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu môi trường hay không? Tôi cho rằng điều này khả thi. Đất hiếm có ý nghĩa thiết yếu trong việc thực hiện mục tiêu này và chúng hết sức quan trọng để sản xuất ra xe điện - ngành công nghiệp chúng tôi muốn thúc đẩy trong tương lai", bà Ebba Busch - Bộ trưởng Năng lượng Thụy Điển nhấn mạnh.

Công ty khai khoáng LKAB cho biết sẽ thúc đẩy quá trình khai thác mỏ đất hiếm tại Kiruna, cũng như tiếp tục tìm kiếm các mỏ đất hiếm khác tại châu Âu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước