Mở rộng cầu vốn, khơi thông tín dụng

Hoài Linh-Thứ năm, ngày 30/11/2023 14:56 GMT+7

VTV.vn - Các ngân hàng đang chạy đua cho vay, nhưng để cung cầu tín dụng gặp nhau, vấn đề không chỉ ở lãi suất đủ thấp.

Theo số liệu cập nhật nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đã đạt 8,06%. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra cho năm nay, ngành ngân hàng cần phải giải ngân thêm tới 717.000 tỷ đồng trong hơn 1 tháng còn lại của năm.

GC Food đang có tổng dư nợ khoảng 200 tỷ đồng. Lãi suất vay vốn hiện đã về mức khá thấp, từ 5,7 - 7%/năm, tùy khoản vay và ngân hàng cho vay. Tuy nhiên, doanh nghiệp lựa chọn không mở rộng hạn mức tín dụng, mà chờ đợi tín hiệu hồi phục từ thị trường.

"Có được nguồn vốn vay giá rẻ như hiện nay là rất đáng quý. Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay, tăng số vay lên cũng là sự lo lắng, bởi vì tình hình tiêu thụ chậm đi. Hiện nay chúng tôi cũng có kế hoạch mở rộng, nhưng qua thời gian vừa qua chúng tôi thấy cũng phải chậm lại 1 chút, có thể chậm lại 6 tháng đến 1 năm", ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc GC Food, chia sẻ.

Nhiều doanh nghiệp tốt, có dòng tiền ổn định, cũng chỉ vay tín chấp được khoảng 30% tổng dư nợ. Do đó, mở rộng điều kiện vay vốn, không chỉ buộc thế chấp tài sản cố định cũng là mong muốn của nhiều doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực chiếm 21,56% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Mở rộng cầu vốn, khơi thông tín dụng - Ảnh 1.

Dù tăng trưởng tín dụng chung còn chậm, chỉ hơn 8%, nhưng nhiều ngân hàng cổ phần đã có mức dư nợ tăng khá tích cực. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

"70% các khoản cho vay đều có tài sản đảm bảo là bất động sản, tức là ngân hàng cho vay phải có tài sản bảo đảm. Khi mở ra khả năng cho vay trên cơ sở đánh giá tính khả thi của dự án mà được bên thứ ba thẩm định, điều này tốt cho ngân hàng, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp có dự án khả thi mà thiếu tài sản bảo đảm", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, cho hay.

Trên thực tế, dù tăng trưởng tín dụng chung còn chậm, chỉ hơn 8%, nhưng nhiều ngân hàng cổ phần đã có mức dư nợ tăng khá tích cực. Như ngân hàng OCB, tín dụng đã tăng gần 12% và khả năng có thể cán đích 18% tăng trưởng trong năm nay.

"Chúng tôi cũng triệt để triển khai các chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, liên tục giảm lãi suất, việc giảm lãi suất như vậy rất thiết thực để hạ chi phí tài chính cho khách hàng. Chúng tôi bám sát vào các thị trường chiến lược mục tiêu của mình. trong thị trường này cũng có những khách hàng cần tháo gỡ nhất định từ ngân hàng. Ví dụ ngân hàng cần tháo gỡ hơn tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản đảm bảo, trong bối cảnh giá trị tài sản đảm bảo giảm", ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng OCB, thông tin.

Ngân hàng cũng là doanh nghiệp đặc thù, bản thân các ngân hàng cũng mong muốn đẩy mạnh tín dụng, khi tốc độ huy động đã vượt đáng kể tốc độ cho vay, bức tranh trái ngược với tình hình vài năm gần đây.

Điều hành tín dụng cũng giống như việc mở van chiếc vòi nước. Nếu mở quá nhỏ, nước chảy nhỏ giọt, thì có thể dẫn đến tình trạng khô hạn, nhưng nếu mở quá to và nước chảy ồ ạt có thể dẫn đến việc vượt quá sức chứa, nước tràn bờ. Do đó điều hành tín dụng đặt ra 2 vấn đề, thứ nhất là mở van cho hài hòa, phù hợp; thứ hai là cần nâng cao sức chứa, giống như mở rộng cầu tín dụng của nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh room tín dụng Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh room tín dụng

VTV.vn - NHNN vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng thông báo mức tăng trưởng tăng thêm cho các tổ chức tín dụng công khai, minh bạch theo các nguyên tắc và chí cụ thể.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước