Mở rộng đối tượng tham gia mua bán điện trực tiếp

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 05/07/2024 06:51 GMT+7

VTV.vn -Một điểm rất đáng chú ý là trong Nghị định 80 là đã mở rộng đối tượng tham gia mua bán điện năng lượng tái tạo trực tiếp, tức là cả về bên mua và bên bán.

Cơ chế mua bán điện trực tiếp

Quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn (hay còn được gọi là cơ chế DPPA) vừa được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 80/2024.

Theo đó, sẽ có 2 hình thức mua bán, giao nhận điện năng lượng tái tạo. Một là các bên mua bán điện thông qua đường dây của lưới điện quốc gia. Và hai là tổ chức, cá nhân tự đầu tư đường dây riêng để mua điện trực tiếp từ nhà máy năng lượng tái tạo

Một điểm rất đáng chú ý là trong Nghị định mới này là đã mở rộng đối tượng tham gia mua bán điện năng lượng tái tạo trực tiếp, tức là cả về bên mua và bên bán.

Cụ thể, với phương án mua bán điện qua đường dây riêng, bên phát năng lượng tái tạo được tham gia cơ chế này gồm điện mặt trời, gió, thủy điện nhỏ, sinh khối, địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu và điện mặt trời mái nhà. Các dự án này không giới hạn về công suất nhưng phải được cấp giấy phép hoạt động điện lực, hoặc được miễn trừ giấy phép theo đúng quy định pháp luật.

Còn với phương án mua bán qua lưới điện quốc gia, vẫn chỉ có điện gió và điện mặt trời, để đảm bảo hệ thống điện vận hành một cách trơn tru. Tính riêng điện mặt trời áp mái, cả nước hiện đã có hơn 100.000 dự án. Việc mở ra hướng điện mặt trời mái nhà có thể tham gia mua bán điện trực tiếp sẽ gỡ vướng cho loại hình năng lượng này.

Cơ chế DPPA không chỉ có ý nghĩa với doanh nghiệp, đơn vị thực hiện điện mặt trời áp mái, trên thực tế, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đều bày tỏ sự hoan nghênh với Nghị định mới của Chính phủ. Bởi lẽ, với bên bán điện khi tham gia cơ chế DPPA, họ có thể dự báo được doanh thu trong dài hạn, nhờ chủ động tìm khách hàng, đàm phán giá bán.

Bà Nguyễn Phương Mai - Chuyên gia độc lập về Năng lượng tái tạo cho biết: "Trước đây, các dự án phát triển năng lượng, đối tượng bán thì chỉ có thể bán cho EVN, là đối tượng mua điện duy nhất. Nhưng với Nghị định này, người mua sẽ phong phú hơn, đó là những người tiêu thụ trực tiếp và có nhu cầu sử dụng điện năng lượng tái tạo, không chỉ là EVN".

Nhóm đối tượng thứ hai là người mua. DPPA là cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn. Trong các dự thảo trước, Bộ Công Thương quy định, nhóm khách hàng này phải có mức tiêu thụ điện năng hàng tháng trên 500.000 kWh mới được coi là khách hàng. Nhưng, điểm mới ở đây là Nghị định đã nới lỏng yêu cầu này, xuống mức 200.000 kWh.

Mở rộng đối tượng tham gia mua bán điện trực tiếp - Ảnh 1.

Bộ Công Thương cho biết, quy định về mức tiêu thụ điện năng là 500.000 kwh/ngày là khá cao

Mở rộng đối tượng tham gia mua bán điện

Theo khảo sát từ các Tổng công ty Điện lực, hiện nay có khoảng 3200 khách hàng sử dụng điện có mức tiêu thụ trên 500.000 kWh/tháng. Trong khi đó, nhóm sử dụng trên 200.000 kWh lại có đến 7.700 khách hàng. Việc mở rộng thêm đối tượng được mua điện tái tạo trực tiếp được cho là sẽ giúp nhiều doanh nghiệp tiếp cận được nguồn điện sạch hơn.

Dựa vào nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo trên thị trường, Bộ Công Thương cho biết, quy định về mức tiêu thụ điện năng là 500.000 kwh/ngày vẫn là khá cao. Để đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương điều chỉnh xuống mức thấp hơn là 200.000 kWh/ngày

Ông Phạm Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương nêu ý kiến: "Thông qua đó đã giúp cho hơn 4.500 khách hàng trong dải ngưỡng từ 200.000 – 500.000 kWh/ tháng được quyền tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp. Điều này làm thỏa lòng của rất nhiều khách hàng cũng như chúng tôi rất ủng hộ cơ chế này".

Trước đây, khách hàng chỉ mua điện qua nguồn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Vì thế, doanh nghiệp sẽ không thể biết là mình mua điện từ dự án nhiệt điện, thủy điện hay năng lượng tái tạo. Thế nhưng, thông qua cơ chế DPPA, doanh nghiệp biết chắc chắc là mình đang mua điện sạch. Điều này có ý nghĩa rất lớn cho ngành sản xuất, khi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang đứng trước yêu cầu xanh hóa ngày càng cao.

Bà Nguyễn Phương Mai - Chuyên gia độc lập về Năng lượng tái tạo chia sẻ: "Hiện nay, nhiều nước ở Châu Âu hay Bắc Mỹ có yêu cầu nhất định đối với hàng hóa xuất khẩu vào thị trường là phải sử dụng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo. Như họ đưa ra các quy định về AI 100, có nghĩa là sản phẩm của bạn có thực sự là sản xuất bằng 100% năng lượng tái tạo hay không? Nghị định về DPPA này sẽ tạo cơ hội cho các nhà sản xuất để họ có thể chứng minh được với người mua, chứng minh được với thị trường mà họ xuất khẩu vào là sản phẩm của họ được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo và họ có giấy chứng nhận, chứng minh được nguồn điện mà họ sử dụng để sản xuất ra hàng hóa đó".

Theo khảo sát, nhóm khách hàng lớn chiếm đến 40% tổng lượng điện năng tiêu thụ trên toàn quốc. Việc cho phép họ được mua bán điện tái tạo trực tiếp cũng là cách giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia.

Rõ ràng, cả bên mua và bên bán đều có lợi khi thực hiện Nghị định này. Điều này chắc chắn sẽ mở ra cơ hội phát triển mạnh cho thị trường năng lượng tái tạo, hướng đến thực hiện thành công các mục tiêu của Quy hoạch Điện VIII.

Khi tham gia vào cơ chế DPPA, các doanh nghiệp không chỉ hưởng được chứng nhận về xanh, thể hiện uy tín trong các cam kết toàn cầu về sử dụng năng lượng tái tạo và phát triển bền vững; mà họ còn đảm bảo được nguồn cung năng lượng trong dài hạn và giảm thiểu được rủi ro về giá cả biến động.

Nghị định 80: Hướng mở tích cực cho thị trường điện tái tạo

Đầu tư hoàn thiện ba nhà máy điện gió tại tỉnh Gia Lai, nhưng đến nay cả ba đều chưa thể đi vào hoạt động, doanh nghiệp này kỳ vọng sự ra đời của Nghị định 80 và các thông tư hướng dẫn sau này sẽ giúp doanh nghiệp gỡ khó trong việc lưu thông phân phối điện.

Ông Trần Minh Tiến - Tổng giám đốc Tập đoàn Eastern Power đưa ra ý kiến: "Với sự ra đời của Nghị định 80 là một sự tích cực của thị trường điện Việt Nam. Điều này phải đánh giá khách quan vì họ mở ra ra nhiều cách mua bán điện khác nhau"

Cụ thể, quy định tại Nghị định 80, doanh nghiệp có hai sự lựa chọn bán điện. Một là mua bán điện trực tiếp (qua đường dây kết nối riêng) của doanh nghiệp. Hai là mua bán điện trực tiếp (qua lưới điện quốc gia).

Ông Trần Minh Tiến cho biết, doanh nghiệp sẽ ưu tiên phương án hai. Tuy nhiên, để có thể thực hiện được giải pháp này, cần phải có những quy định cụ thể hơn về giá cả dịch vụ của hạ tầng điện.

Ông Trần Minh Tiến - Tổng giám đốc, Tập đoàn Eastern Power cho biết thêm: "Bởi vì nhà máy điện nằm ở một địa phương nhưng lại bán điện cho khách hàng ở địa phương khác. Không thể đi đường dây riêng được mà phải hoà vào lưới điện quốc gia. Thủ tục để mua bán với khách hàng nhưng thông qua hạ tầng của Nhà nước và Nhà nước cũng phải thu dịch vụ để phục vụ cho hai doanh nghiệp cũng là chuyện rất tỉ mỉ".

Đại diện hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đánh giá tích cực sự ra đời của Nghị định 80, giúp thị trường mua bán điện mang tính cạnh tranh và hấp dẫn hơn.

Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) – đưa ra ý kiến: "Không chỉ cho doanh nghiệp trong nước mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hơn đến sản xuất và phân phối điện tại Việt Nam. Người ta quan tâm hơn FDI vào Việt Nam làm điện mặt trời, điện gió phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển của Việt Nam".

Theo các chuyên gia, cơ chế mua bán điện trực tiếp sẽ khuyến khích nhà đầu tư phát triển năng lượng tái tạo. Các doanh nghiệp sản xuất sớm có được chứng chỉ năng lượng tái tạo, chứng chỉ giảm phát thải carbon - là điều kiện để tăng sức cạnh tranh hàng hóa khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Khảo sát cuối năm ngoái của Bộ Công Thương cho thấy, khoảng 20 doanh nghiệp lớn mong muốn mua điện trực tiếp với tổng nhu cầu gần 1.000 MW. Cùng đó, có 24 dự án năng lượng tái tạo với công suất 1.773 MW muốn bán điện tái tạo.

Điều đáng nói nhất về cơ chế mua bán điện trực tiếp này là tạo ra sự chủ động cho các thành viên thị trường khi hai bên sẽ được thỏa thuận mức giá, sản lượng trong dài hạn. Nghị định được ban hành là cơ hội để các doanh nghiệp thực hiện hóa tham vọng phát triển năng lượng tái tạo của mình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước