Mặc dù Qatar vừa thông báo kế hoạch tăng sản lượng khai thác khí đốt tự nhiên thêm 30% trong vài năm tới, ngày 5/7, Moody’s vẫn hạ triển vọng tín nhiệm của nước này từ mức ổn định xuống tiêu cực.
Mức xếp hạng này được Moody’s đưa ra dựa trên những đánh giá về rủi ro kinh tế và tài chính phát sinh từ cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh. Moody’s đánh giá, nhiều khả năng cuộc khủng hoảng này sẽ kéo dài đến tận năm 2018.
Trong khi đó, dư luận tại khu vực này đang tập trung suy đoán ai sẽ phải là người xuống thang trước trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Người ta cho rằng muốn tìm ra lời giải thì hãy nhìn vào tình hình kinh tế của mỗi phía. Nếu nhìn lại 1 tháng qua, có thể thấy với sự giúp sức của Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và một số quốc gia khác thì Qatar đã cho thấy họ chống chịu khá tốt với các lệnh trừng phạt trong 1 tháng qua. Tại siêu thị, đôi lúc vẫn nhìn thấy những kệ hàng trống. Giá cả rau củ qua tăng hơn trước gấp đôi, có mặt hàng gấp 3. Tuy nhiên, sự hoang mang ban đầu đã không còn. Qatar đang cho thấy họ không dễ bị đánh quỵ bởi các lệnh phong tỏa.
Tuy nhiên, một tháng cũng chưa thể nói lên điều gì. Điều người ta lo ngại nhất chính là môi trường đầu tư kinh doanh. Hiện các nước Arab đe dọa sẽ thực hiện các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Qatar, trong đó có việc buộc các doanh nghiệp phải lựa chọn đã làmăn buôn với Qatar thì sẽ không được làm ăn với phần còn lại. Mặc dù vậy, nếu được thực hiện thì sẽ không chỉ ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh của Qatar mà cũng sẽ là một cú giáng mạnh trở lại chính những những nước vùng Vịnh và Ai Cập đã thiết lập lệnh cấm.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!