Moody's: Nợ công của Việt Nam ở mức 39% GDP trong vài năm tới

VTV Digital-Thứ năm, ngày 15/09/2022 15:40 GMT+7

VTV.vn - Moody's dự báo tỷ lệ nợ công của Việt Nam, chưa tính bảo lãnh chính phủ, sẽ dao động ở mức 39% GDP trong vài năm tới.

Trong chuyến thăm Việt Nam ngày 14/9 của đại diện tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's, phóng viên VTV đã có cuộc phỏng vấn riêng bên lề về triển vọng nâng hạng của Việt Nam với ông Nishad Majmudar, chuyên gia chính phụ trách đánh giá xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc phỏng vấn với Đài Truyền hình Việt Nam. Ông có thể cho biết về cơ sở cho đợt nâng hạng Việt Nam vừa qua?

Ông Nishad Majmudar, chuyên gia chính xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam, Moody's: Trước tiên Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn, sức hút FDI vượt trội so với khu vực, ngay cả trong bối cảnh thế giới nhiều bất ổn vài năm qua. Thứ hai là sự cải thiện trong chính sách tài khóa, quản lý nợ công, việc chuyển dần sang nguồn vốn vay trong nước với chi phí thấp hơn. Do đó, chúng tôi dự báo tỷ lệ nợ công của Việt Nam, chưa tính bảo lãnh chính phủ, sẽ chỉ dao động ở mức 39% GDP trong vài năm tới. Cuối cùng, môi trường kinh doanh và sức cạnh tranh đều cải thiện mạnh mẽ.

Moodys: Nợ công của Việt Nam ở mức 39% GDP trong vài năm tới - Ảnh 1.

Ông Nishad Majmudar, chuyên gia chính xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam, Moody's.

PV: Vậy đâu là những điểm cần lưu ý để Việt Nam có thể sớm nâng hạng tín nhiệm lên mức Đầu tư?

Ông Nishad Majmudar, chuyên gia chính xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam, Moody's: Nếu nhìn vào một số quốc gia đã đạt mức Đầu tư trong khu vực, như Philippines, Indonesia, thì về cơ bản đều ghi nhận những cải thiện thể chế, như cải thiện minh bạch chính sách tiền tệ và dự báo lạm phát, cải thiện sức khỏe và năng lực giám sát hệ thống ngân hàng. Đây đều là những điểm mà Việt Nam đang không ngừng cải thiện.

Song song với đó, cần tiếp tục gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và sự lan tỏa của dòng vốn FDI trong nền kinh tế. Cuối cùng, dù hệ thống ngân hàng đã cải thiện đáng kể, nhưng vẫn còn những lo ngại liên quan tới tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP ở mức cao, quy mô tài sản của hệ thống ngân hàng, cũng như lượng vốn của các ngân hàng có vốn Nhà nước còn hạn chế.

PV: Ông nhắc nhiều tới sức hút FDI của Việt Nam, vậy theo ông, sức hút này tới từ đâu và khả năng cạnh tranh với khu vực ra sao?

Ông Nishad Majmudar, chuyên gia chính xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam, Moody's: Tôi cho rằng sức hút với FDI vài năm qua của Việt Nam chủ yếu tới từ trọng tâm chính sách trong hình thành và hỗ trợ các khu công nghiệp. So sánh với các quốc gia khu vực, như Thái Lan, Malaysia, hay Trung Quốc, Việt Nam có mặt bằng giáo dục khá cao, trong khi chi phí nhân công lại khá cạnh tranh.

Chưa kể, những hỗ trợ về thuế và chính sách khuyến khích trong giai đoạn đầu của các dự án cũng là điểm cộng. Tuy nhiên, một số hạn chế cần cân nhắc bao gồm sự bão hòa về nguồn cung lao động và hiệu quả logistics.

PV: Một lần nữa xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho Đài Truyền hình Việt Nam!

Nợ công của Việt Nam đang giảm mạnh​ Nợ công của Việt Nam đang giảm mạnh​

VTV.vn - Theo bản tin nợ công số 14 vừa được Bộ Tài chính công bố, nợ công của Việt Nam giai đoạn 2017-2021 đang giảm mạnh từ mức 61,4% GDP xuống còn 43,1% GDP.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước