Một mùa Black Friday 2021 khác biệt

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 27/11/2021 12:08 GMT+7

VTV.vn - Ngày Black Friday năm nay đã có những sự thay đổi đáng kể so với mọi năm. Nhiều nhà bán lẻ dè dặt với các chương trình khuyến mại và không có hàng bổ sung.

Đến hẹn lại lên, một trong những lễ hội giảm giá được tín đồ mua sắm quan tâm bậc nhất đã đến. Black Friday (Thứ Sáu Đen) đã diễn ra.

Không chỉ tạo nên cơn sốt ở Mỹ, các nước châu Âu, ngày hội giảm giá Black Friday đã trở nên phổ biến tại các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Nhận thấy nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong thời điểm này, nhiều cửa hàng, đơn vị kinh doanh sẵn sàng tung ra các chương trình khuyến mãi, hạ giá rầm rộ để hút khách.

Trong những ngày Black Friday các năm trước, đa phần mọi mặt hàng đều được giảm giá thấp nhất từ 10 - 30%, nhiều thương hiệu còn giảm mạnh từ 70 - 75%, thậm chí lên đến 80 - 90%. Do đó, Black Friday được xem là ngày hội mua sắm lớn nhất trong năm.

Tuy nhiên năm nay, ngày hội giảm giá Black Friday liệu có khác so với mọi năm, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp?

Mua sắm ngày Black Friday tại Texas

Tại một trong những trung tâm mua sắm lớn nhất ở phía bắc thành phố Austin, thủ phủ của bang Texas, Mỹ, nhiều cửa hàng mở cửa từ 5 - 6h sáng, sau khi đã đóng cửa hoàn toàn vào ngày Lễ Tạ ơn.

Mặc dù đã mở cửa từ sớm, chuẩn bị sẵn hàng rào xếp hàng, nhưng lượng khách đến với các khu mua sắm không nhiều, rải rác có vài vị khách mua được những chiếc tivi hay đồ điện tử rẻ hơn ngày thường.

Một mùa Black Friday 2021 khác biệt - Ảnh 1.

Không chỉ tạo nên cơn sốt ở Mỹ, các nước châu Âu, ngày hội giảm giá Black Friday đã trở nên phổ biến tại các nước châu Á. (Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters)

"Tôi chủ yếu mua đồ công nghệ và điện tử. Tôi thấy hôm nay chỉ giảm được khoảng 20 - 30 USD. Một số giảm được 100 USD", chị Amy, người dân Austin, chia sẻ.

Bên trong các cửa hàng, đại đa số các mặt hàng khác giữ nguyên giá. Các kệ hàng giá rẻ làm quà đã hết hàng và chưa có hàng thay thế.

Ở các cửa hàng quần áo, chỉ một số mặt hàng được giảm giá và nhóm hàng này được cho là tương đối lỗi mốt.

Lạm phát đang ở mức cao, giá xăng dầu chưa hạ nhiệt và chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn là nguyên nhân khiến nhiều nhà bán lẻ dè dặt với các chương trình khuyến mại và không có hàng bổ sung.

"Tôi không tìm được đồ cần mua. Nói chung, anh cần phải xác định cụ thể mặt hàng anh cần thì may ra có, chứ đi lượn để xem chung chung thì khó lắm. Nó không khác những ngày thường. Tôi cá là nếu tôi quay lại đây ngày mai, giá chiếc tivi tôi cần mua vẫn vậy", ông Simon, người dân Austin, cho hay.

Ra cửa hàng thiếu hàng, nên nhiều người quyết định đặt mua hàng online. Tuy nhiên sự háo hức của họ có thể sẽ giảm đi ít nhiều. Không có nhiều mã hàng giá trị cao được giảm giá lần này. Thêm vào đó, việc khan hàng cũng khiến các công ty bán lẻ khó có thể ship đồ trong ngày một, ngày hai. Vì vậy, Black Friday có thể kéo dài thời điểm nhận hàng trong nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần.

Austin là thành phố công nghệ cao và nằm ở khu vực trung nam của nước Mỹ. Nơi đây nhiều hãng công nghệ và bán lẻ đặt văn phòng làm việc hoặc tổng kho. Tuy nhiên, trước những khó khăn về chuỗi cung ứng, Austin cũng đang khan hàng như phần còn lại của nước Mỹ.

Có thể thấy tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng đã tác động không nhỏ đến Black Friday năm nay. Không chỉ các kệ hàng trống trơn đồ, mà hiện nhiều người tiêu dùng Mỹ không mua được đúng món quà yêu thích cho dịp lễ Giáng sinh sắp tới.

Dù những căng thẳng trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang có dấu hiệu "hạ nhiệt", hay các cảng lớn của Mỹ đã hoạt động hết công suất 24/7 kể từ tháng 10, Giám đốc của nhiều hãng bán lẻ, nhà sản xuất cũng như hãng vận tải tàu biển lo ngại rằng phải tới năm sau tình hình mới có thể trở lại mức bình thường. Họ cho rằng hàng hóa sẽ còn tiếp tục tục bị tắc nghẽn nếu các trung tâm phân phối lớn bị gián đoạn hoạt động do các đợt bùng dịch mới, đặc biệt thế giới lại đang phải đương đầu với một siêu biến thể mới B.1.1.529.

Do vậy, xu hướng mua sắm không chỉ trong dịp lễ Black Friday này, mà là cả mùa mua sắm cao điểm nhất trong năm của Mỹ sẽ có những sự thay đổi đáng kể.

Người Mỹ thay đổi thói quen mua sắm do đại dịch

5h sáng ngày Black Friday tại trung tâm mua sắm của Macy's ở thành phố New York, lượng người xếp hàng vẫn đông, nhưng không còn cảnh chen lấn, xô đẩy như những năm trước. Tới đầu giờ chiều, lượng người đến mua sắm đã tấp nập hơn, nhưng chưa thể đạt đến như thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Khảo sát một số khách hàng, quan điểm mua sắm của họ trong ngày Black Friday cũng đang thay đổi.

"Tôi nghĩ rằng hiện nay, mọi người sẽ mua sắm trực tuyến nhiều hơn là đến cửa hàng vì các ca mắc COVID-19 vẫn cao. Ở thành phố New York, bạn có thể thấy mọi người đến mua sắm trong các cửa hàng vẫn rất đông, nhưng tôi nghĩ tại Mỹ nói chung, mọi người mua sắm trực tuyến nhiều hơn", chị Nisarga, bang New Jersey, Mỹ, cho biết.

"Tôi thường không đến các cửa hàng vào ngày này. Tôi rất ngạc nhiên khi xem tin tức và thấy mọi người cố gắng trèo qua nhau theo đúng nghĩa đen, để vào các cửa hàng. Nhưng tôi tin rằng năm nay tình trạng này sẽ ít hơn vì COVID-19, phần lớn việc mua sắm sẽ chuyển sang trực tuyến", ông John Ekor, thành phố New York, Mỹ, bày tỏ.

Theo khảo sát, tuy đang có sự thay đổi trong thói quen mua hàng, nhưng tại các cửa hàng bán lẻ truyền thống, đặc biệt là các trung tâm mua sắm lớn vẫn chứng kiến lượng khách hàng đông hơn so với năm ngoái. Trong đó, ngành hàng thời trang thu hút được lượng khách mua đông nhất.

"Tôi chỉ so sánh giá cả trên mạng, còn thích đến mua sắm ở các cửa hàng hơn để có thể thử xem quần áo có vừa vặn hay không. Tôi thực sự thích tới các cửa hàng và thử mọi thứ trước khi mua chúng", chị Anchieta, bang Ohio, Mỹ, chia sẻ.

Theo các chuyên gia, nỗi lo COVID-19 và các mặt hàng được giảm giá thấp hơn do khan hiếm nguồn cung là những nguyên nhân chính làm thay đổi thói quen mua sắm của người dân Mỹ trong ngày Black Friday, khiến lượng khách đến mua tại cửa hàng ít hơn.

Tuy nhiên về tổng thể, theo Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ, doanh số bán hàng trong kỳ nghỉ lễ dự kiến sẽ tăng kỷ lục, tới 10,5% trong năm nay. Doanh thu của các nhà bán lẻ trong hai tháng 11 và 12 dự kiến có thể đạt gần 860 tỷ USD.

Năm nay, nhiều nhà bán lẻ lớn tại Mỹ đã bắt đầu dịp mua sắm Black Friday sớm hơn thường lệ. Những hạn chế do đại dịch đã buộc các doanh nghiệp phải mở rộng hình thức thương mại trực tuyến và giao hàng, đồng thời khuyến khích người tiêu dùng không nên chỉ tập trung săn hàng giảm giá trong dịp Lễ Tạ ơn.

Những hạn chế do đại dịch đã buộc các doanh nghiệp phải mở rộng thương mại trực tuyến và giao hàng để bù đắp cho doanh thu tại các cửa hàng cũng như giảm diện tích nhà kho.

Người tiêu dùng trong dịp lễ năm nay được dự báo sẽ chi từ 1 - 4 USD để mua hàng trực tuyến, điều này giúp các sàn thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng ngày càng mạnh.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới của Adobe, dù tần suất bán hàng tại các gian hàng trực tuyến gia tăng, các khoản giảm giá sâu thường có trong những năm trước, cũng giống như tại các cửa hàng truyền thống, sẽ ngày càng ít hơn trong năm nay. Một trong những lý do lớn là do lạm phát.

Lạm phát tại Mỹ đạt mức cao nhất trong vòng 30 năm

Theo dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ, lạm phát tháng 10 của nước này đã đạt mức cao nhất trong vòng 30 năm qua. Một loạt hàng hóa và dich vụ thiết yếu đã tăng cao hơn nhiều so với dự đoán. Điều này thực sự đã trở thành cơn ác mộng với người tiêu dùng và Ngân hàng Trung ương Mỹ.

Do vậy, các sản phẩm được bán trực tuyến đã bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Các mặt hàng được bán trực tuyến có thể có giá bằng hoặc thậm chí đắt hơn sản phẩm được bán thông thường. Điều này ngược hoàn toàn với những gì diễn ra trong những năm trước đại dịch. Khi đó, hàng hóa trên các trang thương mại điện tử được giảm giá rẻ hơn gấp đôi hoặc gấp 3 so với bán truyền thống.

Một mùa Black Friday 2021 khác biệt - Ảnh 2.

Nỗi lo COVID-19 và các mặt hàng được giảm giá thấp hơn do khan hiếm nguồn cung là những nguyên nhân chính làm thay đổi thói quen mua sắm của người dân Mỹ trong ngày Black Friday. (Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, vẫn có những mặt hàng được săn đón nhiều trên các sàn thương mại điện tử. Đó là đồ chơi và máy tính.

Giá đồ chơi giảm 2,7% trong tháng 10. Điều đó có thể là do nhà sản xuất đang giảm giá đồ chơi hiện có trong kho để nhường chỗ cho các lô hàng cho Giáng sinh. Tuy nhiên, các chuyên gia về đồ chơi cảnh báo, một số mặt hàng phổ biến có thể không lên kệ đúng hạn trong những ngày lễ do tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn chưa được phục hồi.

Trong khi đó, giá máy tính giảm gần 5% so với một năm trước đó. Các nhà bán lẻ như Best Buy và Walmart đang cung cấp các ưu đãi khi mua máy tính vào cuối tháng này.

Ở chiều ngược lại, nhiều sản phẩm khác có khả năng tăng giá nhẹ. Ví dụ, giá quần áo đã tăng gần 10% vào tháng trước, có thể do chuỗi cung ứng gặp khó khăn và các mặt hàng trở nên khan hiếm, khiến nhu cầu từ người tiêu dùng tăng cao.

Các chuyên gia đưa ra lời khuyên hãy cân nhắc thời điểm và mức độ ưu tiên khi mua sắm những ngày này. Những thứ cần, hãy mua ngay lập tức bằng bất cứ giá nào, bởi có thể món hàng đó sẽ không được sản xuất trong một khoảng thời gian dài sắp tới.

Sức hấp dẫn của ngày hội mua sắm Black Friday

Những năm gần đây, Black Friday cũng đã dần trở nên quen thuộc hơn với người tiêu dùng Việt. Đây cũng là cơ hội được săn hàng giá siêu sốc của nhiều người.

Cơ hội mua sắm của ngày Black Friday không chỉ duy nhất ngày thứ Sáu, mà được triển khai sớm và kéo dài hơn. Có những thương hiệu còn đưa ra chương trình giảm giá trong 10 ngày, thậm chí là nửa tháng.

Thậm chí, nhiều cửa hàng còn vì đảm bảo yếu tố an toàn và phòng chống dịch bệnh cũng khuyến khích và giảm giá sâu hơn cho những khách hàng mua online.

Khác với mọi năm, không khí mua sắm năm nay lại rất ảm đạm. Nhiều cửa hàng, cửa hiệu trên các tuyến phố ở Hà Nội vẫn cửa đóng then cài.

Những biển quảng cáo giảm giá bắt mắt, sale 70 - 75%, nhưng các cửa hàng vẫn chỉ lác đác khách ra vào. Black Friday trên các con phố Hà Nội im lìm.

Một mùa Black Friday 2021 khác biệt - Ảnh 3.

Không khí mua sắm năm nay ảm đạm hơn so với mọi năm. (Ảnh: NLĐ)

Tuy nhiên, ở trên không gian mạng và trên những sàn thương mại điện tử lại hoàn toàn khác, không khí mua sắm nhộn nhịp, người người nhà nhà săn sale. Từ những mặt hàng gia dụng, mỹ phẩm hay quần áo đang giảm từ 30 - 70%, cơ hội để mua những món đồ siêu rẻ.

"Trong ngày Black Friday, người bán online giảm giá rất nhiều, nhưng chỉ có khung giờ vàng để giảm giá. Mình có thể mua được những sản phẩm yêu thích của mình với giá tốt nhất, cũng giống như đang mình chơi xổ số, nó rất là vui", anh Đức Tuấn, số 4 Nam Ngư, Hà Nội, nói.

Không nằm ngoài không khí tưng bừng của ngày hội mua sắm lớn nhất trong năm, nhiều thương hiệu thời trang cao cấp cũng được các sàn giảm giá sâu.

Theo đại diện sàn thương mại điện tử Sendo, xu hướng Black Friday hiện không chỉ gói gọn trong một ngày thứ Sáu, mà kéo dài từ hàng tuần trước đó và một trong những ưu đãi đánh trúng vào tâm lý người mua đó là phải ship nhanh và miễn phí ship.

"Nếu so Black Friday với ngày 11/11 và ngày 10/10, những sự kiện mua sắm khác, tôi thấy tăng trưởng 50%. Theo tôi dự đoán, sự tăng trưởng mua sắm này còn kéo dài đến cuối năm", Chủ tịch sàn thương mại điện tử Sendo Nguyễn Đắc Việt Dũng nhận định.

Việc chạy các chương trình giảm giá sốc trong ngày này đã thúc đẩy nhu cầu mua sắm khách hàng tăng cao, qua đó các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi lớn. Thậm chí, một số đơn vị còn nhân dịp này đẩy doanh số bán hàng lên cao nhất có thể.

Giảm giá “sập sàn” ngày Black Friday, phố mua sắm vẫn vắng khách Giảm giá “sập sàn” ngày Black Friday, phố mua sắm vẫn vắng khách

VTV.vn - Ngày Black Friday năm nay, khi dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, lượng người mua sắm trực tiếp tại cửa hàng giảm hơn so với mọi năm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước