Nhiều shipper từng rơi vào tình cảnh dở khóc, dở cười khi bị khách "bom hàng": Shipper Grab bị "bom" trà sữa hơn 1 triệu; một anh chàng nhận được đặt hàng 2 hộp ốc, đi hơn 10km trong đêm cũng chỉ nhận được sự "bặt vô âm tín" của khách.
Trong khi đó, các vị "thượng đế" có vô vàn lý do: "Khách nói đang ngồi điều hòa mát, ra ngoài nóng lắm"; "Khách bảo tháng 7 cô hồn nên không lấy"; "Khách bảo chỉ đặt cho vui mồm thôi".
"Có ngày em chạy để có tiền mua sữa cho con nhưng bị bom hàng nên cứ loay hoay với 2 cái bánh kem, chẳng biết làm gì nên mới nhờ cộng đồng mua giúp lại", một shipper chia sẻ.
"Đợi khách 10 - 20 phút, gọi không được, hôm qua bị bom hàng vì khách ngủ quên, một shipper khác chia sẻ.
Nghề shipper “lên ngôi” giữa mùa dịch. (Ảnh: Dân trí)
Liên tiếp các vụ "bùng hàng" số lượng lớn được giới giao hàng chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người bức xúc, bày tỏ thái độ phản đối trước hành vi thiếu ý thức của những người đặt hàng rồi hủy.
"Không lấy hàng vì lý do nào đó cũng cần phải báo với người ta một câu tử tế. Người ta đi làm cũng chỉ được có vài chục nghìn tiền công thôi mà", một tài khoản Facebook nói.
"Bao nhiêu vụ như vậy rồi vẫn không có ý thức. Sao có thể lấy vất vả, công sức của người khác ra làm trò đùa như thế được?", một tài khoản Facebook khác bày tỏ.
Điểm hở dẫn đến việc "bùng" hàng diễn ra thường xuyên như hiện nay một phần là do thói quen tiêu tiền mặt của đa số người tiêu dùng Việt. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Để hỗ trợ shipper, nhiều cửa hàng đã cam kết nếu khách không nhận, quán sẽ nhận lại đồ ăn và hoàn tiền đi lại. Tuy nhiên, những cách làm này cũng chỉ mang tính tạm thời. Điểm hở dẫn đến việc "bùng" hàng diễn ra thường xuyên như hiện nay một phần là do thói quen tiêu tiền mặt của đa số người tiêu dùng Việt.
Trên thế giới, các quốc gia đã có nhiều giải pháp để giảm thiểu "nỗi ám ảnh" bom hàng. Phillipines sắp ban hành một dự luật nghiêm cấm việc hủy bỏ đơn hàng sau khi tài xế đã ứng tiền và đang vận chuyển. Những người vi phạm có thể bị phạt ít nhất 6 năm tù giam, cùng một khoản tiền phạt lên tới 100.000 Peso (khoảng hơn 46 triệu đồng).
Tại Mỹ, nếu không thể liên hệ với khách hàng, tài xế sẽ báo lại ứng dụng. Bộ phận chăm sóc khách hàng sẽ gọi cho khách, nếu họ vẫn không trả lời, tài xế sẽ chờ 5 phút rồi bấm "đã giao", trong khi tiền công vẫn được trả và thêm đồ ăn miễn phí.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!