Sau cao điểm dịch, dù sức mua của người tiêu dùng Việt Nam đang dần hồi phục, nhưng nhiều doanh nghiệp, chuyên gia nhìn nhận xu hướng thắt chặt hầu bao, chi tiêu tiết kiệm sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến thị trường tiêu dùng, buộc các doanh nghiệp phải thay đổi để thích ứng, kể cả với những ngành được cho là ít chịu tác động bởi dịch như thương mại điện tử.
Mới đây, một số chợ online đã tung ra các chương trình cắt giảm phí giao hàng như một động thái để thích ứng với tình hình mới, bởi theo họ, phí giao hàng có vai trò quan trọng, hay có thể nói là một "công cụ" có yếu tố quyết định đến hành vi mua sắm.
Xu hướng thắt chặt hầu bao có ảnh hưởng lâu dài đến thị trường tiêu dùng, buộc các doanh nghiệp phải thay đổi để thích ứng. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Một tháng, chị Tuyết (quận 7, TP.HCM) chi khoảng 6 triệu đồng để chi tiêu cho các nhu cầu cá nhân, trong đó, gần một nửa là mua sắm thông qua các kênh online. Tuy nhiên, các chính sách thu phí giao hàng của các sàn thương mại điện tử sẽ khiến chị e dè hơn.
Sau dịch COVID-19, hành vi người tiêu dùng thay đổi, có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm hơn. Do đó, các doanh nghiệp thương mại điện tử thực hiện các chương trình miễn, giảm phí giao hàng là cách thu hút được người dùng "chốt đơn".
Việc giảm phí giao hàng có sức tác động lớn đến quyết định mua bán hàng hóa trên sàn thương mại điện tử. (Ảnh minh họa: Báo Pháp luật TP.HCM)
Nghiên cứu tại các doanh nghiệp cho thấy, việc giảm phí có sức tác động lớn đến quyết định mua bán hàng hóa trên sàn. Đại diện Sendo lấy ví dụ, nếu các chương trình giảm phí vận chuyển cho người dùng được làm hiệu quả có thể giúp lượng giao dịch tăng trưởng từ 20% - 50%.
Theo một nghiên cứu của Nielsen, dịch COVID-19 đã làm thay đổi rõ rệt hành vi người dùng. 44% người tiêu dùng cho rằng thu nhập bị tác động và 25% giảm các hoạt động ăn uống bên ngoài. Xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra ngay cả khi cao điểm dịch đã qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!