Mới đây, Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) thông báo Tập đoàn JPMorgan Chase đã mua lại toàn bộ tài sản của First Republic - ngân hàng thời gian qua đang gặp một số vấn đề khó khăn về tài chính.
Theo thỏa thuận, JPMorgan Chase, tập đoàn tài chính - ngân hàng lớn nhất nước Mỹ sẽ mua lại toàn bộ các khoản tiền gửi và gần như tất cả tài sản của ngân hàng First Republic. JPMorgan Chase sẽ chi khoảng 10,6 tỷ USD cho Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang để tiếp nhận quyền kiểm soát, tiếp cận dữ liệu khách hàng và xử lý phần lớn tài sản của First Republic; đồng thời cũng dành ra khoảng 2 tỷ USD để tái cấu trúc trong 18 tháng tới.
Trong một diễn biến khác, Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang đang muốn có một cuộc cải tổ sâu rộng về vấn đề bảo hiểm tiền gửi sau khi thời gian qua một số ngân hàng Mỹ gặp khó khăn về tài chính. Cơ quan này ủng hộ việc tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi cho các tài khoản thanh toán doanh nghiệp, hiện đang có mức trần là 250.000 USD.
Ngân hàng First Republic ở New York. (Ảnh: Bloomberg)
Theo Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang, những thay đổi này có thể mang đến lợi ích ổn định tài chính lớn nhất trong mức kinh phí phải chi ra. Cơ quan này lý giải là do với khách hàng cá nhân có thể dễ dàng nhận được bảo hiểm, khi hạn chế rủi ro bằng cách mở nhiều tài khoản tại các ngân hàng khác nhau; trong khi với doanh nghiệp, thường phải gửi tiền trả lương cho nhân viên trong tài khoản ở một ngân hàng nhất định, nên mức độ rủi ro cũng lớn hơn.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, các giải pháp đang được Chính phủ Mỹ áp dụng sẽ đảm bảo để hệ thống ngân hàng an toàn và vận hành hiệu quả. Về phía Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, thời gian tới, cơ quan này sẽ tăng cường vai trò trong việc giám sát và điều tiết hoạt động của hệ thống ngân hàng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!