Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. (Ảnh: AP)
Nhận xét trên của ông Mnuchin được đưa ra tại cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki tại Washington vào ngày 17/10 (theo giờ địa phương). Bộ trưởng Hong đã luôn kêu gọi Chính phủ Mỹ miễn thuế quan đối với mặt hàng ô tô của Hàn Quốc.
Ông Hong Nam-ki hiện đang ở Washington để tham dự cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính và thống đốc ngân hàng Trung ương của Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (Nhóm G20), cũng như các cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Yêu cầu của Bộ trưởng Hong Nam-ki được đưa ra khoảng một tháng trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định liệu có áp mức thuế lên tới 25% đối với ô tô và phụ tùng nhập khẩu vì lý do an ninh quốc gia hay không. Hàn Quốc đã vận động mạnh mẽ để được Washington miễn thuế, viện dẫn lý do rằng Seoul đã có những nhượng bộ trong lĩnh vực ô tô theo thỏa thuận thương mại tự do song phương sửa đổi với Mỹ có hiệu lực vào tháng 1/2019.
Seoul lo ngại rằng họ có thể phải chịu thiệt hại đáng kể nếu Mỹ áp dụng thuế quan đối với ô tô của nước này, vì ngành công nghiệp ô tô chiếm 14% sản lượng và 12% việc làm trong lĩnh vực chế tạo của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á.
Ngoài ra, cũng tại cuộc gặp với Bộ trưởng Hong Nam-ki, ông Mnuchin đánh giá cao những nỗ lực cải thiện tính minh bạch trong chính sách ngoại hối của Hàn Quốc.
Hồi tháng Năm, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Hàn Quốc vào danh sách các quốc gia bị theo dõi về nghi vấn thao túng tiền tệ. Song phía Washington đã đưa ra những gợi ý về khả năng có thể đưa Seoul ra khỏi danh sách trong báo cáo tiếp theo, dự kiến được công bố trong tháng này.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết Hàn Quốc chỉ đáp ứng một trong ba tiêu chí đánh giá một quốc gia thao túng tiền tệ và có thể bị xóa khỏi danh sách giám sát nếu nước này vẫn duy trì được điều này trong giai đoạn sáu tháng tới.
Theo bộ tiêu chí mới sửa đổi, một đối tác thương mại của Mỹ bị định danh là nước thao túng tiền tệ nếu họ có thặng dư thương mại song phương với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD, thặng dư tài khoản vãng lai tương đương ít nhất 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và có một sự can thiệp đơn phương kéo dài trên thị trường ngoại hối.
Trong báo cáo tháng Năm, Hàn Quốc chỉ "mắc" một tiêu chí là thặng dư tài khoản vãng lai tương đương 4,7% GDP năm 2018.
Tại cuộc họp, hai vị Bộ trưởng cũng đã ký Bản ghi nhớ (MOU) song phương đầu tiên về lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Trong một bài đăng trên Facebook, Bộ trưởng Hong Nam-ki nói rằng bản MOU này có thể mở đường cho các công ty Hàn Quốc và Mỹ đầu tư vào thị trường cơ sở hạ tầng của nhau, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa các công ty của hai nước để giành được các dự án cơ sở hạ tầng chung ở các nước thứ ba.
Cũng tại cuộc gặp vào ngày thứ Năm (17/10), Bộ trưởng Hong Nam-ki cho biết cần có một giải pháp ngoại giao nhanh chóng cho căng thẳng thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Ông nói rằng việc kiềm chế xuất khẩu của Nhật Bản có thể phá vỡ chuỗi cung ứng nguyên liệu trên toàn cầu và dẫn tới tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới.
Bộ trưởng Mnuchin bày tỏ hy vọng rằng Hàn Quốc và Nhật Bản có thể nhanh chóng đưa quan hệ hợp tác kinh tế của họ trở lại đúng hướng.
Tuần trước, Hàn Quốc và Nhật Bản đã không đạt được thỏa thuận nào tại các cuộc đàm phán song phương liên quan đến khiếu nại của Seoul lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về các hạn chế xuất khẩu của Tokyo. Dù vậy, hai bên đã đồng ý sẽ gặp lại để đàm phán thêm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!