Năm 2014, cả hai kết quả mua nợ và thu hồi nợ của Công ty quản lý tài sản VAMC đều vượt chỉ tiêu đầu năm. Tuy nhiên, con số dù ấn tượng đến đâu, đến cuối năm 2014 thị trường vẫn chưa hết hoài nghi về khả năng xử lý nợ của đơn vị chuyên trách này. Có vẻ như đến thời điểm hiện tại việc VAMC làm tốt nhất đang chỉ là mua nợ, còn hoạt động xử lý nợ vẫn rất khiêm tốn. Nói cách khác, phần nhiều các khoản nợ đang chỉ chuyển đổi sở hữu từ túi ngân hàng sang túi của VAMC chứ chưa được xử lý dứt điểm.
Trước thực tế này, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC lý giải, xử lý nợ xấu cần lộ trình và không thể vội, kể cả sang năm 2015 việc chính VAMC làm vẫn là gom nợ, còn việc xử lý nợ sẽ chỉ thực sự quyết liệt vào năm 2016.
"Điểm rơi xử lý nợ xấu quyết liệt nhất 2016 là khả thi nhất. Doanh nghiệp có khoảng trống để tăng trưởng lại, bất động sản ấm dần lên...", ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty quản lý tài sản các Tổ chức tín dụng Việt Nam VAMC nói.
2015 có thể ví như cơ hội nỗ lực cuối cùng với những doanh nghiệp khó khăn. Cùng lúc đó, đây là thời gian VAMC chờ đợi những cơ chế xử lý nợ được bổ sung. Đơn vị này thậm chí cho rằng nên có luật về xử lý nợ xấu.
Đã có những phối hợp giữa VAMC với ngân hàng trong giải quyết nợ xấu, nhưng vì còn nhiều vướng mắc trong cơ chế, hiện công tác xử lý nợ vẫn phụ thuộc khá nhiều vào sự chủ động của ngân hàng.
Hiện VAMC đang xây dựng kế hoạch mua thí điểm một số khoản nợ theo giá thị trường, thay vì bằng trái phiếu đặc biệt, hướng đến hình thành một thị trường mua bán nợ tại Việt Nam. Thị trường cũng chờ đợi những cơ chế mới về xử lý tài sản đảm bảo, có như vậy mới kỳ vọng có được bước tiến thực chất trong xử lý nợ xấu và nợ xấu mới kéo được về mức 3%.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.