Không chỉ tạo lập các nền tảng Việt, kết nối doanh nghiệp Việt, công dân Việt, năm 2019 đã chứng kiến những thông điệp mạnh mẽ về việc từ bỏ các hạ tầng cũ để chuyển đổi sang không gian số. Công nghiệp công nghệ thông tin ICT được coi là mũi nhọn trong chiến lược quốc gia số khi tiếp tục vượt mốc 110 tỷ USD, duy trì mức tăng trưởng trên 10%.
Nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ, ngày 14/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị số 01 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Theo đó, nước ta dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối… thực hiện chiến lược "Make in Viet Nam", từng bước làm chủ công nghệ, chủ động thiết kế, xây dựng mô hình kinh doanh mới. Mục tiêu của Chỉ thị là đến năm 2030, Việt Nam sẽ có ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số để đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.
Năm 2020, Việt Nam sẽ tiếp tục có thêm những nền tảng mới, bản đồ số quốc gia với mã bưu chính thông minh smartcode xác định chính xác địa chỉ 24 triệu hộ gia đình. Logistic, giao nhận vì thế sẽ được đẩy mạnh, duy trì mức tăng trưởng 20%. Mobile Money (ví điện tử trên thuê bao di động) sẽ đưa thương mại điện tử phủ rộng toàn lãnh thổ, mọi tiện ích cuộc sống đều có thể thanh toán trực tuyến dễ dàng. Thị trường thương mại điện tử có doanh thu lớn thứ 6 toàn cầu như Việt Nam sẽ chứng kiến sự tăng trưởng hơn nữa. Tỷ lệ bán hàng trực tuyến sẽ tăng vọt từ 3,6% - 5% và đưa giá trị thương mại điện tử đạt 10 tỷ USD ngay trong năm 2020.
Tuy nhiên, bên cạnh việc thúc đẩy các nền tảng mới, theo các chuyên gia, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cũng sẽ phải thay đổi tư duy trong việc bảo vệ mình trên không gian mạng. Mặc dù năm 2019 Việt Nam đã thăng hạng vượt bậc về an toàn thông tin, nhưng thiệt hại do tấn công mạng cũng ghi nhận con số kỷ lục 20.900 tỷ đồng, tăng 40% so với 2018.
Mới đây, Liên minh An ninh mạng đã được thành lập, Trung tâm Giám sát không gian mạng Việt nam cũng đã hình thành. Tuy nhiên, để hạn chế triệt để thiệt hại do tấn công mạng, sự chủ động của mỗi cá nhân và doanh nghiệp mới là yếu tố quyết định.
Cũng trong chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam, Chính phủ sẽ tạo ra thị trường cho sản phẩm Việt, Bộ Thông tin và Truyền thông giữ vai trò nhạc trưởng, điều phối các doanh nghiệp trong nước hợp tác, phát triển tránh chồng chéo, thiết lập các hệ sinh thái dịch vụ số, công nghệ số. Kinh tế số Việt Nam được dự báo sẽ sớm đạt 43 tỷ USD trong 5 năm tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!