Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút FDI ở mức 39 - 40 tỉ USD

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 25/09/2024 14:46 GMT+7

VTV.vn - Các doanh nghiệp FDI đặt mục tiêu giữ vững đơn hàng xuất khẩu. Đồng thời đồng hành khắc phục khó khăn và đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam đã đặt ra.

Cho đến thời điểm này, 100% các khu công nghiệp lớn tại những địa phương kinh tế trọng điểm phía Bắc bị ảnh hưởng của bão số 3 đã hoạt động trở lại. Trong đó nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã chủ động tăng ca tăng kíp sản xuất để bù lại thời điểm gián đoạn do bão lũ.

Các doanh nghiệp FDI đặt mục tiêu giữ vững đơn hàng xuất khẩu. Đồng thời đồng hành khắc phục khó khăn và đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam đã đặt ra.

Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút FDI ở mức 39 - 40 tỉ USD - Ảnh 1.

Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam trong 8 tháng qua ước đạt 14,15 tỷ USD, tăng 8 % so với cùng kỳ năm trước

Ngay sau khi bão lụt đi qua, công ty công nghệ này đã tăng gấp đôi tiến độ để hoàn thiện nhà xưởng, thiết bị và những công đoạn cuối cùng để khởi động nhà máy mới.

Ông Liu Zan - Giám đốc Công ty Công nghệ thông minh CEM Việt Nam, Thái Nguyên cho biết: "Được sự hỗ trợ của địa phương, chúng tôi rất yên tâm. Việc đưa nhà máy vào hoạt động vào cuối tháng 9 này của chúng tôi không bị gián đoạn, sẵn sàng tăng tốc sản xuất cuối năm".

Đầu tư vào lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao là xu hướng chính của dòng vốn FDI từ đầu năm đến nay. Điển hình là dự án nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới của Tập đoàn Amkor vào Việt Nam. Doanh nghiệp này đã tăng vốn đầu tư thêm hơn 1 tỷ USD vào tháng 6 vừa qua, sớm hơn 10 năm so với kế hoạch.

Ông Giel Rutten - Tổng Giám đốc Điều hành toàn cầu Tập đoàn Amkor Technology chia sẻ: "Chúng tôi đã khảo sát nhiều địa điểm để lựa chọn đặt nhà máy và cuối cùng đã lựa chọn Việt Nam vì hệ sinh thái đa dạng, cung ứng bán dẫn, thiết bị điện tử và vi mạch".

Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam trong 8 tháng qua ước đạt 14,15 tỷ USD, tăng 8 % so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất trong 5 năm qua. Ngay trong tháng 9 này, nhiều địa phương cũng liên tiếp đón nhận những cam kết đầu tư lên tới hàng tỷ USD.

Ông Lê Ngọc Linh - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định: "Quảng bá đối với nhà đầu tư bằng rất nhiều hình thức, vừa trên mạng, vừa là các tài liệu, vừa là thông qua các hiệp hội, gặp gỡ hội thảo, triển khai các cuộc họp chuyên đề".

Bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối nghiên cứu, Công ty CP Chứng khoán MB chia sẻ: "Xuất khẩu của chúng ta tăng 16%. Trong đó, khu vực FDI tăng gần 14%. Chỉ số PMI liên tục trong 5 tháng được đứng trên 50 điểm. Điều đó chứng tỏ lượng đặt hàng cũng như hoạt động sản xuất của Việt Nam đang trên đà mở rộng mạnh mẽ".

Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút FDI ở mức 39 - 40 tỉ USD, tức là từ năm đến cuối năm phải tăng gấp đôi. Các tổ chức quốc tế khẳng định: với số lượng vốn đã cam kết đến thời điểm này, cùng sự kiên định phấn đấu mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 7% của Chính phủ, dù phải chịu nhiều thiệt hại từ cơn bão số 3, vẫn cho thấy niềm tin cao của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước