Tận dụng hiệu quả sân chiwu EVFTA
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải qua, sau 4 năm thực hiện Hiệp định Thương mại tự giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt hơn 200 tỷ USD, tăng trưởng từ 12% - 15%.
EVFTA đã thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, tăng vọt từ 35 tỷ euro vào năm 2019 lên tới hơn 48 tỷ euro vào năm 2023. Sự tăng trưởng được thể hiện rõ trong các lĩnh vực, như: điện tử, dệt may, giày dép, nông nghiệp và hải sản theo lộ trình cắt giảm thuế quan khi FTA này có hiệu lực. Đáng chú ý, hầu hết kim ngạch nhập khẩu của các nước EU từ Việt Nam đều tăng từ năm 2021 tới nay.
Trao đổi cụ thể hơn về nội dung này, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong ASEAN. Đặc biệt, một số sản phẩm thế mạnh của nước ta như điện tử, dệt may, giày dép, nông sản…đang xuất khẩu chủ yếu sang thị trường tiềm năng này.
"Tính đến thời điểm này, nhiều thị trường chủ chốt trong khối EU của nước ta đã đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD như Hà Lan (chiếm 24,56% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá sang EU), Đức (chiếm 15,49%); Italia (chiếm gần 10%), Tây Ban Nha, Bỉ…", ông Hải cho biết thêm.
Đánh giá về thị trường EU, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) cho rằng, doanh nghiệp Việt đang tận dụng rất hiệu quả Hiệp định EVFTA. Trên thực tế, tỷ lệ doanh nghiệp hiểu về EVFTA cao hơn so với các FTA khác. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi C/O mẫu EUR.1 ở mức cao. Trong đó phải kể đến một số nhóm hàng như thủy sản, rau, quả, gạo, giày dép…
Hiểu thị trường để "làm chủ cuộc chơi"
EU liên tục ban hành quy định quy trình mới về nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài.
Tuy nhiên, cái khó tại thị trường EU mà doanh nghiệp Việt phải đối mặt chính là sự thay đổi thường xuyên của các quy định, tiêu chuẩn. Trao đổi với phóng viên VTV Times bên lề Hội thảo chuyên đề: Tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm chính ngạch sang thị trường châu Âu, ông Đinh Sỹ Minh Lăng, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết, EU liên tục ban hành quy định mới và điều chỉnh những quy định cũ và điều đó có tác động rất lớn tới xuất khẩu của Việt Nam. Thời gian gần đây, một số mặt hàng bị ảnh hưởng bởi các quy định quy trình mới về nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào EU gồm gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành, gỗ...
Đơn cử, mới đây, tháng 05/2024, EU ban hành quy định quy trình mới về nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài. Theo đó, từ ngày 3/6/2024 tất cả doanh nghiệp có liên quan tới hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam vào EU đều phải khai báo dữ liệu trước khi hàng đến vào Hệ thống kiểm soát hàng hóa nhập khẩu (ICS2). Cần nói thêm, tuân thủ hệ thống ICS2 là bắt buộc đối với tất cả các lô hàng quá cảnh qua bất kỳ quốc gia EU nào ngay cả khi điểm đến cuối cùng không phải là một phần của EU. Nếu các bên giao dịch chưa chuẩn bị sẵn sàng và không cung cấp dữ liệu theo yêu cầu của ICS2, hàng hóa của họ sẽ bị dừng ở biên giới EU và không được cơ quan Hải quan thông quan.
Với quy định này, nếu doanh nghiệp Việt không nắm được sẽ phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng khi các containers và lô hàng sẽ bị dừng tại biên giới với EU; hàng hoá sẽ không được thông quan bởi hải quan EU; hoặc các tờ khai không đầy đủ hoặc bị từ chối hoặc sẽ bị cấm vận vì không tuân thủ quy định của EU.
Một quy định khác khá phổ biến mà doanh nghiệp không thể bỏ qua khi xuất khẩu vào EU là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) mà EU thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10/2024 và thực hiện đầy đủ từ năm 2026. EU đang triển khai kế hoạch nhằm đạt được mục tiêu trở thành lục địa trung hòa khí carbon vào năm 2050.
"Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng, để chủ động cuộc chơi, đẩy mạnh xuất khẩu sang EU, doanh nghiệp cần nắm rõ trong lòng bàn tay các quy định của thị trường. Đồng thời cần nghiên cứu, xác định thị trường mục tiêu, tiêu chuẩn, quy định của từng thị trường cụ thể trong khối, để từ đó xây dựng kế hoạch, hệ thống quản lý chất lượng, cải tiến công nghệ, mẫu mã…", ông Lăng nhấn mạnh.
Được biết, mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương đã chỉ đạo các Thương vụ khu vực châu Âu đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển thị trường. Trong đó đặc biệt chú trọngcập nhật chính sách mới của nước sở tại để tham mưu cho Bộ và Chính phủ các phản ứng chính sách phù hợp cho doanh nghiệp. Trong đó, chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại hợp với Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ và các Thương vụ thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu thị trường, cập nhật, phổ biến thông tin thị trường cho các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp; hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam đảm bảo sự thích nghi với thị trường và xu hướng phát triển…/.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!