Từ rau cải, đậu bắp tới đu đủ, gần 20 loại rau tại nông trường An Phú Hưng, tỉnh Hà Nam đều được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn của Nhật Bản. Với diện tích khoảng 24ha, mỗi ngày nông trường cung ứng từ 4-6 tấn rau các loại.
Bà Nguyễn Thu Đang, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần An Phú Hưng, tỉnh Hà Nam cho biết: “Từ đầu năm 2015, chúng tôi áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, còn để xuất khẩu chúng tôi sản xuất theo tiêu chuẩn của Nhật Bản, thứ nhất là xử lý đất, xử lý nước và trong sản xuất trồng cây sẽ áp dụng tiêu chuẩn mà chuyên gia Nhật Bản đưa ra, tiếp nữa là không dùng phân bón hóa học mà dùng toàn bộ phân hữu cơ để tưới, không dùng chất kích thích như phân đạm, phân lân. Như vậy, rau không xanh như ở những chỗ khác nhưng có vị ngọt, đậm”.
Dự án ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) vào sản xuất nông nghiệp do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với công ty Fujitsu (Nhật Bản) triển khai thí điểm tại tỉnh Hà Nam. Từ hệ thống cảm biến đặt tại ruộng, các chuyên gia có thể thu thập thông tin về quá trình chăm sóc, bón phân, nhiệt độ, ánh sáng để từ đó phân tích và đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho người nông dân.
Ông Keita Nakamura, Chuyên gia dự án của Công ty Fujitsu chia sẻ: “Hiện nay chúng tôi đang thu thập tất cả các thông tin liên quan đến cây trồng rồi đưa vào phân tích, xem mỗi giống rau sẽ phát triển tốt nhất trong điều kiện như thế nào. Từ kết quả có được, chúng tôi hy vọng có thể mở rộng mô hình này ra toàn quốc đóng góp cho sự phát triển nông nghiệp của Việt Nam”.
Một ví dụ nổi bật khác cho việc ứng dụng công nghệ Nhật Bản vào sản xuất nông nghiệp, đó là kỹ thuật đánh bắt và bảo quản cá ngừ tại tỉnh Bình Định. Tháng 10/2015, Nhật Bản đã trao tặng 25 bộ ngư cụ cùng công nghệ và quy trình khai thác cá ngừ đại dương cho ngư dân tỉnh Bình Định. Trong chuyến đánh bắt đầu năm 2016, tám con cá ngừ đã được mang đi đấu giá tại Nhật Bản với giá cao nhất là 1.600 Yen/kg, tương đương 305.000 đồng/kg.
Ông Mutsuya Mori, Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam nhận xét: “Nông nghiệp là lĩnh vực có tác động thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành, từ hoạt động đầu tư ban đầu như phân bón - nguyên liệu đầu vào, máy nông nghiệp, máy phân loại đến chế biến thực phẩm, thiết bị dùng để chế biến thực phẩm và xa hơn nữa là phát triển nông nghiệp đa ngành như du lịch nông nghiệp”.
Với việc áp dụng công nghệ, kỹ thuật canh tác và công nghệ chế biến, đánh bắt thủy sản của Nhật Bản, không chỉ chất lượng mà giá trị nông sản, thủy sản của Việt Nam được kỳ vọng sẽ ngày càng tăng cao.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!