Hình minh họa.
Trong năm nay, những chiếc xe sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam sẽ được giảm đến 50% phí trước bạ, số tiền giảm có thể từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng mỗi xe tùy thuộc vào giá thành. Tuy nhiên, dù Chính phủ đã ban hành Nghị quyết, nhưng hiện người tiêu dùng vẫn phải đợi các thủ tục hành chính.
Quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô nhằm kích cầu tiêu dùng của người dân với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Doanh nghiệp ưu đãi lớn hơn so với chờ chính sách
Nhiều đại lý ô tô thuộc các hãng xe khác nhau trên địa bàn Hà Nội cho biết, từ khi có thông tin sẽ giảm 50% lệ phí trước bạ, đặc biệt là khi Nghị quyết số 84/NQ-CP được ban hành ngày 29/5/2020; trong đó có nội dung giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước, lượng khách đến đại lý tăng từ 15 đến 40% so với trước đây.
Theo các đại lý, Nghị quyết này được cho là sẽ tác động trực tiếp đến thị trường ô tô trong nước, giúp kích thích nhu cầu tiêu dùng và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất. Đặc biệt, lượng khách đến đại lý tăng mạnh được xem là dấu hiệu đáng mừng sau thời gian ế ẩm của thị trường xe ô tô do đại dịch COVID-19 gây ra.
Xe hạng sang lắp ráp trong nước sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi phí trước bạ giảm 50%. (Ảnh: Dân trí)
Tuy nhiên, phần lớn khách hàng đến chỉ để tham khảo, tư vấn về xe, các chương trình ưu đãi và về hỏi về việc giảm 50% lệ phí trước bạ như vậy sẽ được hưởng lợi như thế nào chứ chưa chốt hợp đồng mua xe ngay đối với xe có giá trị lớn, còn những xe có giá trị nhỏ từ 300 - 400 triệu đồng, nhiều người vẫn mua vì ưu đãi từ phí trước bạ không nhiều. Với thông tin giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, người tiêu dùng sẽ tiết kiệm được ít nhất 15 triệu và cao nhất đến 298 triệu đồng.
Theo đó, ô tô con từ 9 chỗ ngồi trở xuống nộp lệ phí trước bạ lần đầu từ 10% đến 12% trên giá bán xe, tùy theo địa phương. Mức lệ phí trước bạ đối với ô tô con tại Hà Nội và 7 tỉnh, thành khác như: Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Quảng Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ là 12%; Hà Tĩnh có mức phí trước bạ là 11%; TP.HCM và các địa phương còn lại chỉ áp dụng mức lệ phí trước bạ 10%.
Qua đó, có thể thấy, người tiêu dùng mua xe trong thời điểm này sẽ có lợi hơn khi doanh nghiệp đang mạnh tay giảm giá để kích cầu doanh số sau thời gian giãn cách xã hội so với mức giảm 50% lệ phí trước bạ nhưng chưa có thời điểm áp dụng.
Sức tiêu thụ xe sẽ không bằng các năm trước
Giới chuyên môn cho rằng, để Nghị quyết số 84 đi vào thực tiễn sẽ mất thời gian khoảng 2 tháng bởi Bộ Tài chính còn phải xin ý kiến để xây dựng Dự án Nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước nên người tiêu dùng vẫn phải chờ. Do đó, việc ban hành Nghị định này chậm ngày nào doanh nghiệp và người dân sẽ bị thiệt ngày đó bởi người dân chờ phí giảm mới mua xe, còn doanh nghiệp chưa bán được xe và phải gánh thêm nhiều chi phí lưu xe.
Nhiều đại lý ô tô trên địa bàn Hà Nội cũng chia sẻ, khách hàng mua xe thời điểm này sẽ được hưởng lợi nhiều hơn bởi khi chính sách được thông qua rất có thể các đại lý sẽ cắt bớt chương ưu đãi và khách hàng sẽ mua xe với giá xe cao hơn hiện nay.
Theo nhìn nhận của giới chuyên môn, chính sách giảm phí trước bạ xe ô tô có thể đến tháng 8 mới có hiệu lực và thị trường ô tô khi đó mới dần khởi sắc, nhưng mức tăng trưởng của cả năm nay sẽ không bằng các năm trước bởi tác động của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng đang phải thắt chặt chi tiêu.
Theo giới chuyên môn, việc giảm 50% lệ phí trước bạ không ảnh hưởng đến giá bán xe của doanh nghiệp bởi đây là khoản thu sau khi khách hàng đã mua xe, nhưng người tiêu dùng được hưởng lợi do chỉ phải nộp một nửa phí như trước đây. Đứng trước sức ép này, xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc chắn chắn sẽ phải giảm theo mới có thể cạnh tranh và thu hút khách hàng về phía mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!