Sau năm 2015 đầy biến động, nước Nga bước vào năm 2016 bằng những tin xấu dồn dập về giá dầu thô và đồng Ruble bị suy yếu. Các tín hiệu không mấy tích cực này cùng với những khó khăn sẵn có do lệnh trừng phạt của phương Tây đã buộc Nga phải thông báo cắt giảm 10% chi tiêu ngân sách trong năm 2016. Nhận định về một năm đầy thách thức nữa về kinh tế đối với nước Nga đã được đưa ra tại diễn đàn quốc tế Gaidar thường niên lần thứ 7 với chủ đề "Nga và thế giới hướng tới tương lai".
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thừa nhận, những thách thức đối với kinh tế Nga là nghiêm trọng nhất trong một thập kỷ qua, song nền kinh tế vẫn có thể kiểm soát được. Theo Thủ tướng Medvedev, Nga đã có thể giảm thiểu tác động từ các cú sốc từ bên ngoài nhờ kế hoạch chống khủng hoảng của Chính phủ; nước Nga đã đã vượt qua được thời điểm nhạy cảm nhất.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev phát biểu: “Điều quan trọng nhất và nghiêm trọng nhất đối với chúng ta hiện nay là thu nhập của người dân bị sụt giảm. Nhiều người đã trở nên nghèo hơn, tầng lớp trung lưu chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Đó chính là hậu quả tệ hại nhất của cú sốc kinh tế của năm qua".
Ông Medvedev cảnh báo, nếu giá dầu tiếp tục giảm, Nga cần điều chỉnh ngân sách và chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất; đồng thời phải cắt giảm chi tiêu ngân sách, chi phí cho bộ máy Nhà nước; tư nhân hoá một phần tài sản Nhà nước.
Tuy nhiên, ông Medvedev cho rằng, trong năm 2016, kinh tế Nga sẽ được củng cố nhờ nợ nước ngoài ở mức thấp, dự trữ ngoại hối lớn và ngành ngân hàng Nga vẫn hoạt động ổn định.
Diễn đàn kinh tế Gaidar lần này diễn ra trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm mạnh khiến ngân sách Nga bị thâm hụt nặng trong khi không thể tiếp cận thị trường vốn quốc tế do hậu quả các lệnh trừng phạt của phương Tây. Do đó, Nga cần các biện pháp cân bằng kinh tế vĩ mô cũng như kích thích để kinh tế phục hồi trở lại, trong đó có việc xây dựng một nền kinh tế không phụ thuộc vào dầu mỏ.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.