Công nhân làm việc tại một trạm phân phối khí đốt ở Nga. (Ảnh: Bloomberg)
Động thái trên diễn ra sau khi Ba Lan và Bulgaria từ chối thanh toán cho công ty Gazprom của Nga bằng Ruble.
Dữ liệu từ mạng lưới của các nhà chuyển tải khí đốt Liên minh châu Âu (EU) cho thấy, dòng khí đốt thực tế qua tuyến đường ống Yamal-châu Âu từ Belarus đến Ba Lan đã về mức 0 kilowatt giờ (kWh) lúc 16h00 ngày 26/4, giờ địa phương, so với mức hơn 52 triệu kWh/ngày vào sáng cùng ngày.
Trong khi ngày 26/4, Bộ trưởng Năng lượng Bulgaria cho biết nguồn cung khí đốt từ Nga thông qua hệ thống đường ống TurkStream cũng bị tạm dừng trong ngày 27/4. Được biết, Bulgaria nhập của Nga khoảng 90% lượng khí đốt, phần còn lại đến từ Azerbaijan.
Trước đó, Nga đã cảnh báo các nước châu Âu về nguy cơ bị cắt nguồn cung khí đốt trừ khi thanh toán bằng đồng Ruble.
Ba Lan cùng nhiều nước châu Âu nhiều lần đã lên tiếng bác bỏ việc trả tiền mua khí đốt bằng đồng Ruble theo các quy tắc mới của Nga.
Trong khi đó, một số khách hàng mua khí đốt Nga đã báo hiệu có thể đồng ý với các yêu cầu của Moscow. Hôm 25/4, Uniper, nhà nhập khẩu lớn khí đốt Nga của Đức, cho biết có thể thanh toán cho các nguồn cung cấp trong tương lai mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Theo Bloomberg, giá khí đốt tại châu Âu đã tăng 17% ngay sau thông tin về việc ngừng cung cấp khí đốt từ Nga.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!