Giá dầu Ural của Nga hiện thấp hơn giá dầu Brent gần 30 USD. (Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images)
Theo thông báo của Bộ Năng lượng Nga, chi tiết về chính sách mới sẽ được công bố sớm, cùng bản phân tích về giá cả và quy định về theo dõi diễn biến giá. Việc theo dõi sẽ được dùng để triển khai các biện pháp tăng cường nhằm ngăn giá giảm thêm.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết thách thức của Nga hiện nay là mức chiết khấu so với giá dầu chuẩn quốc tế nới rộng và chi phí vận tải tăng cao.
Hiện giá dầu Ural của Nga vận chuyển tới châu Âu ở mức khoảng 52 USD/thùng, thấp hơn giá dầu Brent gần 30 USD, đặc biệt từ sau khi các nước G7 và EU áp giá trần với dầu Nga.
Hiện giá dầu Brent và WTI đều ổn định trong phiên sáng nay (12/1) tại thị trường châu Á, với mức tăng gần 0,1% so với phiên hôm qua (11/1). Cụ thể, giá dầu Brent giao dịch ở mức 82,73 USD/thùng. Trong khi dầu WTI giao dịch ở mức 77,5 USD/thùng.
Giới chức Mỹ cho rằng, giá trần đã có tác dụng kìm hãm nguồn thu từ năng lượng của Nga, dù nước này khẳng định không gặp vấn đề với việc bán dầu do biện pháp này.
Nga hiện là nước xuất khẩu dầu lớn nhì thế giới, sau Saudi Arabia. Doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt đóng góp gần nửa ngân sách nước này.
Tháng 12/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh cấm bán dầu thô và các sản phẩm từ dầu trong vòng 5 tháng kể từ 1/2 với các nước tham gia áp trần. "Sắc lệnh của Tổng thống hồi tháng 12 cấm các công ty Nga dùng đến trần giá theo bất kỳ hình thức nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp. Lệnh cấm này mở rộng cho cả các giao dịch của dầu Nga với người dùng cuối cùng - không làm việc với các thương nhân không tuân thủ sắc lệnh", thông báo của Bộ Năng lượng Nga cho biết.
Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) có trụ sở tại Phần Lan ước tính, xuất khẩu dầu thô của Nga đã giảm 12% trong tháng 12/2022 và doanh thu từ dầu thô của quốc gia này giảm 32%, phần lớn là do đợt trừng phạt mới nhất của phương Tây, theo Business Insider.
Tháng trước, EU đã chính thức cấm nhập khẩu dầu bằng đường biển từ Nga và áp mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu thô của Nga. Các biện pháp cấm vận này ngăn cản Nga sử dụng các dịch vụ vận chuyển và bảo hiểm của phương Tây khi vận chuyển dầu của Nga qua các thị trường trên phạm vi toàn cầu.
Những hạn chế trên đã gây khó khăn cho một trong những mặt hàng xuất khẩu thu lợi nhuận nhiều nhất của Nga. Quốc gia này đã mất 15 triệu USD doanh thu xuất khẩu dầu trong tuần cuối cùng của năm 2022, theo Bloomberg. Hiện chỉ còn Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong số ít quốc gia mua dầu của Nga.
Hiện sản phẩm dầu hàng đầu của Nga đang giao dịch dưới mức giá trần 60 USD/thùng, được bán cho các quốc gia như Ấn Độ. Moscow từng tuyên bố sẽ ngừng kinh doanh với các quốc gia ủng hộ cơ chế giá trần, theo Business Insider.
CREA ước tính, tác động liên quan đến các biện pháp trừng phạt về năng lượng đang khiến Nga thiệt hại 160 triệu Euro, tương đương 170 triệu USD mỗi ngày. Cũng theo CREA, thiệt hại thậm chí có thể tăng lên 280 triệu Euro, tương đương 300 triệu USD/ngày vào ngày 5/2, khi EU dự kiến sẽ cấm nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu của Nga.
Theo CREA, đòn giáng mạnh vào ngân sách của Moscow có thể đồng nghĩa với việc Nga sẽ sớm chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine, đặc biệt nếu phương Tây tăng cường hạn chế thương mại đối với Nga. Từ đó, CREA đề xuất các phương pháp như sửa đổi mức trần giá dầu xuống 25 - 35 USD/thùng và tăng hình phạt đối với các tàu vi phạm mức trần giá.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!