Ngân hàng Nhà nước mới đây có hướng dẫn triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với quy mô tối đa 120.000 tỷ đồng, triển khai đến 31/12/2030 hoặc kết thúc sớm hơn nếu giải ngân hết gói.
Mỗi người mua nhà chỉ được vay vốn một lần để mua một căn hộ trong số các dự án thuộc danh mục quy định. Mỗi dự án của chủ đầu tư cũng chỉ vay vốn một lần.
Về lãi suất, từ ngày 1/4 đến hết 30/6, chủ đầu tư được vay 8,7%/năm, kéo dài trong 3 năm kể từ ngày giải ngân; còn người mua nhà được áp mức lãi suất 8,2%/năm trong 5 năm.
Khảo sát của phóng viên cho thấy lãi vay mua nhà ở xã hội theo gói vay nhà ở xã hội đang thấp hơn lãi vay thực tế của các ngân hàng thương mại từ 3,5% đến 6%/năm. Ngoài ra, nếu vay mua nhà ở các ngân hàng thương mại, khách hàng cũng được tư vấn cách để được hưởng lãi suất tốt nhất.
Muốn lãi thấp phải mua thêm combo
Chị Mỹ Tâm (Hà Nội) có nhu cầu vay mua chung cư. Khi liên hệ với nhân viên tín dụng VPBank, chị được tư vấn lãi suất tại nhà băng này đang ưu đãi cho năm đầu là 12,5%/năm, từ năm tiếp theo áp dụng cách tính lãi suất cơ sở cộng biên độ. Cứ 3 tháng, lãi suất cơ sở sẽ thay đổi một lần tùy theo thị trường, cộng thêm biên độ là ra lãi suất cho vay.
"Biên độ tại ngân hàng này hiện khoảng 3%/năm", nhân viên tư vấn nói và cho biết từ năm thứ hai lãi suất sẽ có thể dao động trong khoảng 13,5-15%/năm, tùy vào lãi suất đầu vào sẽ được ngân hàng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Lãi suất huy động hạ nhiệt, lãi vay mua nhà cũng giảm theo nhưng các khách hàng cho rằng vẫn ở mức cao (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).
Tuy nhiên, nhân viên này cho biết ngân hàng đang xảy ra tình trạng room khó khăn, nếu muốn hưởng lãi suất tốt hơn có thể mua thêm combo gồm gửi tiết kiệm, tài khoản số đẹp, thẻ tín dụng để được ưu đãi giải ngân. "Nhân viên cũng giới thiệu về gói bảo hiểm AIA có thể mua kèm", chị Tâm nói.
Liên hệ với một nhân viên VPBank chi nhánh khác để tham khảo hình thức vay tín chấp, chị Tâm được tư vấn lãi vay tính theo dư nợ giảm dần. Lãi suất hiện khoảng 0,8-1,8%/tháng. "Hồ sơ khách hàng càng đẹp, lãi suất càng thấp", nhân viên tín dụng nói và yêu cầu cung cấp tên cơ quan, bảng lương 6 tháng gần nhất.
Việc mua kèm combo để được giảm lãi vay cũng được áp dụng tại một số nhà băng. Như tại ACB, nhân viên tín dụng tư vấn lãi vay năm đầu đang ở mức 11%/năm - tương đối thấp của thị trường. Biên độ áp dụng từ năm thứ hai tại ACB là 3,5%/năm. Tuy nhiên, khách hàng có thể được giảm thêm 1-2,4%/năm nếu mua kèm combo gồm thẻ tín dụng, tài khoản số đẹp, bảo hiểm…
Chị Ngọc Thảo (Hà Nội) tham khảo gói vay mua nhà tại SHB. Theo nhân viên tín dụng ngân hàng này, lãi suất năm đầu tại chi nhánh này đang là 12-13,5%/năm, sau đó mới tính thả nổi theo thị trường. "Mức cụ thể còn tùy theo xếp hạng tín dụng của khách hàng, dựa trên thu nhập, tài sản tích lũy, sổ tiết kiệm", nhân viên này nói... Để chắc chắn khách được giải ngân và hưởng lãi suất thấp nhất, người này giới thiệu chị Thảo mua thêm gói bảo hiểm Dai-ichi 10 triệu đồng/năm.
Tại TPBank, nhân viên nhà băng này cho biết lãi suất ưu đãi cho khách vay mua nhà trong 6 tháng đầu là 8%/năm, trong một năm đầu là 12%/năm. Hết thời gian ưu đãi thì cũng tính lãi thả nổi.
Biên độ tại nhà băng này ở mức 4%/năm, còn lãi cơ sở sẽ thay đổi 3-6 tháng một lần. Những ngân hàng nhỏ hoặc tầm trung có lãi suất huy động cao thì lãi cho vay cũng tăng cao theo.
Hầu hết ngân hàng hiện nay đều có gói ưu đãi năm đầu, từ năm thứ hai mới tính lãi thả nổi. Tuy nhiên, lãi suất năm đầu tiên cũng phổ biến trên 10%/năm. Tại VietinBank, Viet Capital Bank và MB, lãi vay ưu đãi năm đầu khoảng 10,5%/năm, tại GPBank là 11,3%/năm, VIB là 12%/năm, PVComBank là 12%/năm, tại MSB là 13,75%/năm…
Mức biên độ phổ biến được các nhà băng niêm yết từ 2,5% đến 3,5%. Cũng có nhà băng để biên độ lên đến 4,5%. Như tại HDBank, lãi suất ưu đãi cố định 13,5%/năm cho năm đầu. Từ năm tiếp theo, lãi suất sẽ được tính thêm biên độ 4,5%/năm cộng với mức ban đầu.
Các nhà băng cũng đều đưa ra quy định thời gian vay tối đa, phổ biến 20-35 năm với các khách hàng vay mua bất động sản. Mức vay tối đa trong khoảng từ 60-80% giá trị định giá tài sản. Các ngân hàng cũng áp dụng phí trả nợ trước hạn, trong khoảng 1-3%.
Lãi suất ưu đãi vay mua nhà năm đầu trong khoảng từ 10,5-13,75%/năm (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).
Một số ngân hàng ưu đãi cho vay mua bất động sản dựa trên việc khách hàng là khách cũ. Như tại Techcombank, chị Thanh Vân (TP Hồ Chí Minh) được tư vấn, đối với các khách hàng có tài khoản tại Techcombank trước 1/1/2023, lãi suất ưu đãi 6 tháng là 10,5%/năm, 12 tháng là 11%/năm, 18 tháng là 11,5%/năm, 24 tháng là 12%/năm.
Còn với khách hàng có tài khoản tại Techcombank sau 1/1/2023, lãi suất ưu đãi sẽ cộng thêm 0,5%/năm so với khách cũ. Thời gian vay tối đa tại ngân hàng này là 35 năm, không quy định độ tuổi tất toán. Tỷ lệ vay tối đa là 70% giá trị định giá tài sản đảm bảo hoặc 80% giá trị phương án.
Hay có ngân hàng cho vay dựa trên thời gian. Thời gian vay cao, lãi suất sẽ tăng theo.
Tại Vietcombank, tháng 3 vừa rồi, khách hàng được nhân viên tín dụng tư vấn chương trình cho vay lãi suất cố định cho khách hàng bán lẻ năm 2022 và nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lãi suất áp dụng từ ngày 1/3 đến hết 31/3 năm nay. Cụ thể, lãi suất cố định 18 tháng là 10,4%/năm, 2 năm là 10,5%/năm, 3 năm là 11,%/năm, 5 năm là 12,5%/năm, 7 năm là 13,5%/năm, 10 năm là 14%/năm.
Tín dụng vẫn tăng chậm
Năm 2022, tín dụng là tâm điểm chú ý bởi nhiều nhà băng cạn room chỉ sau nửa năm khi nhu cầu vay vốn tăng mạnh, từ cả nhóm doanh nghiệp đến người dân, trong bối cảnh kênh trái phiếu và chứng khoán gặp khó. Nhu cầu vốn thậm chí còn tăng cao hơn trong những tháng cuối năm, đến mức nhiều nhà băng, doanh nghiệp, hiệp hội và chuyên gia liên tục đề nghị Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng.
Lãi vay mua nhà ở xã hội theo gói vay nhà ở xã hội đang thấp hơn lãi vay thực tế của các ngân hàng thương mại từ 3,5% đến 6%/năm (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).
Sang đến năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng mới cho các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, tín dụng lại có dấu hiệu tăng thấp. Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tính ngày 28/3, tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng 2,06% so với cuối năm 2022. Nếu so với quý I/2022, mức tăng trưởng tín dụng trong quý đầu năm nay đã giảm hơn một nửa.
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), cho biết đến cuối tháng 3 hiện có 24 ngân hàng giảm lãi vay, lãi tiền gửi mặt bằng chung cũng đồng loạt giảm. Khảo sát của Dân trí cho thấy lãi suất vay mua nhà giảm 0,2-2%/năm từ đầu năm, tùy nhà băng.
Mới nhất, từ ngày 3/4, lãi suất điều hành giảm thêm 0,5% các loại. Trong đó trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng xuống 5,5%/năm. Lần đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất huy động trong gần 3 năm gần đây. Còn 2 lần điều chỉnh gần nhất là vào tháng 9 và 10 năm 2022, trần lãi suất huy động tăng 0,3-1%/năm. Đây được giới chuyên gia coi là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!