Theo một số chuyên gia, động thái này có thể là tín hiệu Ngân hàng Nhà nước sẽ bắt đầu mua ngoại tệ trở lại, bơm tiền đồng ra thị trường nhằm hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại.
Sau nhiều biện pháp ổn định thị trường và đồng USD có xu hướng yếu đi trên thị trường quốc tế, kể từ cuối tháng 11 đến nay, tỷ giá trong nước đã hạ nhiệt đáng kể. Hiện giá USD niêm yết tại các ngân hàng thương mại ở mức 23.410 đồng/USD (mua vào) và 23.720 đồng/USD (bán ra), giảm khoảng 4,9% so với mức đỉnh hồi cuối tháng 10.
Ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định: "Đây là một tín hiệu rất tích cực vì thứ nhất tỷ giá đã hạ nhiệt, thứ hai là thanh khoản ngoại tệ đã khá lên, tức nhiều dòng vốn ngoại tệ được bán ra đã được gửi về tại Việt Nam. Ví dụ như kiều hối trở lại, Ngân hàng thế giới vừa công bố báo cáo năm nay kiều hối chúng ta được khoảng 19 tỷ USD, tăng 5% so với năm ngoái, trong khi cả thế giới năm nay kiều hối giảm 0,7%".
Trong tháng 11, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có 4 lần giảm giá bán USD tại Sở Giao dịch, tổng cộng 40 đồng. Cùng với động thái mua vào ngoại tệ cho thấy áp lực tỷ giá đã không còn căng thẳng như giai đoạn trước.
"Khi Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ sẽ bơm ra một lượng VND trên thị trường và như vậy sẽ có thêm cung tiền trên thị trường, giảm áp lực về tỷ giá. Tôi kỳ vọng năm 2023 chúng ta sẽ có môi trường lãi suất thấp hơn, đặc biệt là về cuối năm 2023", bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó Tổng Giám đốc Quỹ Vietcombank (VCBF) nhận định.
Theo chuyên gia, một nguyên nhân khác giúp hạ nhiệt tỷ giá là do những nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu và du lịch quốc tế đã tăng nhanh hơn trong thời gian qua. Đây là cơ hội rất tốt để mua vào ngoại tệ, qua đó củng cố dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời giúp các ngân hàng có nguồn cung tiền đồng để sẵn sàng cho vay dịp cuối năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!