Ảnh minh họa - TTXVN.
Ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước chính thức ban hành Thông tư 14, sửa đổi Thông tư số 01 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Thông tư quy định, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và hoặc lãi của khoản nợ phát sinh trước 1/8/2021.
Quy định này đã mở rộng phạm vi khoản nợ hơn so với quy định cũ là 10/6/2020. Ngoài ra, thời gian cơ cấu nợ sẽ được kéo dài thêm 6 tháng, đến 30/6/2022.
Thông tư mới sẽ giúp tháo gỡ vướng mắc hiện nay cho nhiều doanh nghiệp, tạm thời không bị chuyển nhóm nợ xấu, có điều kiện phục hồi sản xuất. Còn phía các ngân hàng cũng giảm áp lực trích lập dự phòng.
Theo giải thích trước đó của Ngân hàng Nhà nước, việc gia hạn thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng là do căn cứ vào kế hoạch tiêm chủng và kế hoạch kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ.
Tại dự thảo Thông tư lần 1 lấy ý kiến các đơn vị trong Ngân hàng Nhà nước, cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng đã đánh giá và đề xuất việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ được áp dụng đối với số dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022 là phù hợp nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng với dịch.
Theo đó, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sẽ có thêm khoảng thời gian 6 tháng để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Như vậy, về cơ bản, Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên những nội dung đề xuất tại dự thảo thông tư được công bố trước đó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!