Trụ sở Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh: NLĐ)
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào bán tín phiếu 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất. Kết quả có 9/11 thành viên tham gia trúng thầu với tổng khối lượng 20.000 tỷ đồng, lãi suất 0,58%, cao hơn phiên hôm qua (25/9) 0,49%.
Trên kênh cầm cố giấy tờ có giá, tiếp tục không có nghiệp vụ mới phát sinh và lượng lưu hành vẫn duy trì ở mức 0. Tính chung, Ngân hàng Nhà nước đã rút ra khỏi hệ thống 20.000 tỷ đồng trong phiên giao dịch 26/9.
Trước đó, trong 3 phiên liên tiếp gần đây 21/9, 22/9 và 25/9, cơ quan này đã chào thầu thành công tổng cộng 30.000 tỷ đồng tín phiếu 28 ngày và không phát sinh nghiệp vụ trên thị trường mở; qua đó rút khỏi hệ thống ngân hàng lượng tiền tương ứng.
Như vậy, trong 4 phiên giao dịch vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng tổng cộng gần 50.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu.
Sau 3 phiên thăm dò với khối lượng 10.000 tỷ, nhà điều hành đã tăng khối lượng phát hành lên gấp đôi và lãi suất trúng thầu cũng có chiều hướng tăng. Điều này cho thấy tín hiệu về sự quyết liệt hơn của Ngân hàng Nhà nước trong hoạt động hút bớt thanh khoản hệ thống.
Tuy nhiên, nghiệp vụ phát hành tín phiếu kỳ hạn là nghiệp vụ hút VND tại thời điểm hiện tại và sẽ bơm lại sau khi đáo hạn. Với kỳ hạn 28 ngày, dự kiến số tiền được Ngân hàng Nhà nước rút ra khỏi hệ thống sẽ được bơm trả lại vào trung tuần tháng 10.
Theo đánh giá của các chuyên gia tại Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), động thái phát hành tín phiếu trở lại của Ngân hàng Nhà nước có thể được xem là một cách thức nhằm điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn trên hệ thống. Đây là hoạt động thường thấy từ các ngân hàng trung ương và không đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đảo chiều chính sách tiền tệ.
Ngoài ra, theo Công ty cổ phần Chứng khoán Maybank (MSVN), động thái hút tiền của Ngân hàng Nhà nước cho thấy cơ quan này đang sẵn sàng can thiệp để ổn định tỷ giá.
Tỷ giá trong nước hiện đã bật tăng mạnh theo xu hướng của chỉ số USD trên thị trường quốc tế và tương đồng với biến động của các đồng tiền khác trong khu vực. Giá USD tại hầu hết ngân hàng trong nước đã vượt qua mốc 24.500 đồng. Tính từ đầu năm đến nay, giá USD tại các ngân hàng đã tăng khoảng 3,3%.
Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, biến động của VND nghiêng nhiều về yếu tố mùa vụ và việc duy trì chính sách tiền tệ phân kỳ với các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.
Nhiều chuyên gia nhận định, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ làm đồng thời 2 nhiệm vụ, một mặt hút bớt thanh khoản thị trường liên ngân hàng để giảm áp lực tỷ giá, mặt khác là tiếp tục ban hành các chính sách giúp mặt bằng lãi suất giảm và tín dụng khơi thông.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!