Ảnh minh họa.
Đảm bảo hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản số 396 đề nghị các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phù hợp với diễn biến thị trường, theo dõi sát biến động giá vàng thế giới và trong nước để có giải pháp phù hợp.
Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo về công tác thanh toán nhằm đảm bảo hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt, đúng quy định trong dịp Tết Nguyên đán.
"Kiểm tra các phương án dự phòng; theo dõi, giám sát chặt chẽ, kịp thời xử lý các sai sót, sự cố đảm bảo hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử hoạt động ổn định, an toàn, liên tục, đáp ứng nhu cầu giao dịch ngày càng tăng của khách hàng, đặc biệt nhu cầu giao dịch tăng đột biến trong dịp Tết Nguyên đán, báo cáo kịp thời các sự cố phát sinh về Ngân hàng Nhà nước", Ngân hàng Nhà nước lưu ý.
Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu tiền mặt, hoãn chi tiền mặt
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm các quy định, quy trình về kiểm đếm, giao nhận, bảo quản tiền mặt, tài sản quỹ, giấy tờ có giá và cung ứng tiền mặt trên địa bàn. Thống nhất kế hoạch thu, chi tiền mặt trong những ngày nghỉ Tết với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn để đảm bảo hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt cho hệ thống ATM, POS.
"Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Thống đốc về việc cung ứng tiền mặt cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước trên địa bàn, đảm bảo lưu thông tiền tệ thông suốt, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu tiền mặt, hoãn chi tiền mặt làm ảnh hưởng đến tình hình lưu thông tiền tệ" Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, báo cáo UBND tỉnh, thành phố và phối hợp với các sở, ban, ngành tại địa phương để kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh tiền mệnh giá nhỏ trái quy định của pháp luật gây ảnh hưởng xấu đến tình hình lưu thông tiền tệ, hình ảnh của đồng tiền Việt Nam.
Đồng thời, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn nâng cao chất lượng dịch vụ, theo dõi tồn quỹ và tiếp quỹ kịp thời, đảm bảo các ATM hoạt động an toàn, thông suốt; xử lý kịp thời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!