Hơn 24.000 tỷ đồng được các ngân hàng thương mại cam kết giảm lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát để đảm bảo việc giảm lãi suất cho vay là thực chất
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành văn bản cho biết sẽ công bố công khai kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại, nhằm đảm bảo những cam kết giảm lãi suất là thực chất.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, 16 ngân hàng thương mại đã cam kết giảm 20.300 tỷ đồng lãi suất cho vay từ nay tới cuối năm.
Riêng 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn đã cam kết mỗi ngân hàng giảm thêm giảm 1.000 tỷ đồng tiền lãi suất cho các doanh nghiệp, người dân ở 19 tỉnh thành phố đang phải thực hiện giãn cách, chống dịch theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Như vậy, tổng số tiền ngành ngân hàng cam kết hỗ trợ lên tới 24.300 tỷ đồng.
Tổng số tiền ngành ngân hàng cam kết hỗ trợ thông qua giảm lãi suất lên tới 24.300 tỷ đồng
Thực chất, báo cáo hàng tháng
Có nhà máy tại Bình Dương, 80% hoạt động của một doanh nghiệp đã bị đình trệ khi buộc phải giãn cách phòng chống dịch. Không có đơn hàng, nhưng nhiều chi phí phải tăng thêm như phí xét nghiệm, lo cho công nhân 3 tại chỗ. Vì thế, thông báo giảm lãi suất từ ngân hàng đã giúp chia sẻ phần nào áp lực trên vai doanh nghiệp.
"Chúng tôi mới nhận thông báo là ngân hàng giảm lãi suất 0,5%/năm, với lượng vốn vay gần 200 tỷ, thì mỗi tháng tiết kiệm 100 triệu", ông Đào Ngọc Kim - Giám đốc Công ty TNHH SX TM DV Vĩnh Hưng Đạt cho biết.
Để giảm LS cho vay, các ngân hàng phải tiết giảm chi phí, và cắt giảm lợi nhuận. Theo Ngân hàng Nhà nước, đây là đợt cắt giảm mạnh lợi nhuận lớn nhất mà các ngân hàng cam kết thực thi nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, khách hàng trong bối cảnh nhiều khó khăn như hiện nay.
Theo báo cáo nhanh của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 7, các ngân hàng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 790.000 khách hàng với dư nợ gần 1,4 triệu tỷ đồng. Đồng thời, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 198 nghìn khách hàng. Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ yêu cầu các ngân hàng thương mại định kỳ vào cuối tháng phải báo cáo chi tiết kết quả triển khai với Ngân hàng Nhà nước.
"Đối tượng nào khó khăn nhiều thì giảm lãi suất nhiều, đối tượng nào ít thì giảm ít, nhưng phải làm thật. Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát từ nay đến cuối năm việc cam kết giảm lãi suất của các ngân hàng thương mại. Việc cam kết đó thực hiện được bao nhiêu, như thế nào, có thực sự thực chất không", ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ yêu cầu các ngân hàng thương mại định kỳ vào cuối tháng phải báo cáo chi tiết kết quả triển khai giảm lãi suất
Minh bạch để thực chất hơn
Các ngân hàng thương mại đã nhiều lần giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, mỗi khi nền kinh tế rơi vào khó khăn. Tuy nhiên, đây có lẽ cũng là lần đầu cơ quan điều hành có văn bản chính thức, yêu cầu các ngân hàng phải công khai báo cáo định kì. Cơ chế mới này được các doanh nghiệp đón nhận như thế nào, bởi trước đó, vẫn có không ít doanh nghiệp nhỏ chia sẻ gặp khó trong việc tiếp cận vốn vay.
Nhận được thông báo giảm 1% lãi suất cho vay, một doanh nghiệp cho biết khá tin tưởng vào cam kết giảm lãi suất đợt này của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, doanh nghiệp này mong muốn việc công khai thông tin sẽ cụ thể hơn, có một danh sách tổng hợp chung mức giảm của tất cả các ngân hàng để doanh nghiệp dễ so sánh, bởi hiện nay, mỗi ngân hàng đều công bố riêng lẻ.
Các doanh nghiệp mong muốn các thông tin minh bạch hơn trong việc giảm lãi suất từ các ngân hàng
Khi thông tin giảm lãi suất được minh bạch, những người vay dù là cá nhân hay doanh nghiệp cũng đều có thể theo dõi, giám sát xem mình có được giảm hay không, và bao giờ sẽ được giảm.
Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội mong muốn cùng với giảm lãi suất, các ngân hàng sẽ không thắt chặt điều kiện cho vay. Bởi với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, doanh nghiệp khó có thể xác định phương án kinh doanh khả thi khi vay vốn
Bên cạnh yêu cầu giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa công bố dự thảo thông tư tiếp tục cho phép các ngân hàng thương mại được cơ cấu nợ cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Cụ thể, các khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính sẽ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ.
Thời hạn này đã nới hơn so với mốc 10/6/2020 của quy định cũ. Đồng thời, các khoản nợ phải trả nợ gốc hoặc lãi đến hạn thanh toán cũng được gia hạn đến cuối tháng 6/2022, thay vì chỉ đến cuối năm nay như trước. Ước tính có khoảng 600.000 tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi COVID-19 sẽ được hỗ trợ nếu dự thảo trên được thông qua.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!