Ngành bán lẻ toàn cầu lo lắng cho dịp mua sắm cuối năm

Kim Huệ-Thứ tư, ngày 06/10/2021 07:03 GMT+7

VTV.vn - Người tiêu dùng toàn cầu hãy chuẩn bị đón một mùa mua sắm cuối năm tốn kém hơn. Đây là cảnh báo của các chuyên gia trong ngành bán lẻ.

Đầu tháng 10 hiện là thời điểm ngành bán lẻ thế giới bước vào mùa cao điểm chuẩn bị hàng hóa cho các dịp lễ cuối năm. Thế nhưng ngành này đang ở trong trạng thái đáng lo ngại khác với mọi năm. Nguyên nhân là do khủng hoảng chuỗi cung ứng trên toàn cầu.

Trẻ em không được nhận món đồ chơi yêu thích; Người lớn đau đầu với chi phí tiêu dùng dịp mua sắm cuối năm; Các cửa hàng thì vẫn chưa thoát khó khăn… Đó là viễn cảnh mà nhiều nhà bán lẻ trên thế giới đã phải lường tới trước.

Ông Adam Coons, Quản lý danh mục đầu tư, Quỹ Winthrop Capital, cho biết: "Rào cản số một bây giờ là chuỗi cung ứng. Mặc dù người tiêu dùng có thể sẵn sàng đi mua sắm và chi tiêu nhiều tiền hơn bây giờ, nhưng vấn đề là liệu thực sự có đủ sản phẩm cho họ mua?".

Ngành bán lẻ toàn cầu lo lắng cho dịp mua sắm cuối năm - Ảnh 1.

Đồ chơi, một mặt hàng hầu như "cháy hàng" trong dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề. Nhà sản xuất đồ chơi Basic Fun cho biết khoảng 8 triệu USD giá trị đồ chơi của họ đang được nằm ở một nhà máy tại Trung Quốc mà họ không thể chuyển chúng đi vì thiếu container vận chuyển.

Còn nhà sản xuất đồ chơi hàng đầu thế giới MGA International cho biết, hơn 600 container chứa đầy đồ chơi đang bị tắc nghẽn tại cảng Los Angeles mấy tuần qua.

Ông Gene Seroka, Giám đốc điều hành Cảng Los Angeles, nói: "Các nhà nhập khẩu phải mất nhiều thời gian để chờ lấy hàng hơn. Các container phải đợi ở cảng trung bình sáu ngày thay vì hai ngày chờ như trước".

Nhu cầu tiêu dùng đã bị đánh sập vào nửa đầu năm 2020, tuy nhiên, đà hồi phục đã nhanh chóng trở lại vào cuối năm. Quá trình khởi động lại không hề dễ dàng chút nào, điển hình chuỗi cung ứng bị bóp nghẹt bởi nhiều sự kiện, như tắc nghẽn kênh đào Suez, thiếu hụt lao động, khan hiếm container, cho đến chi phí vận chuyển tăng gấp 10 lần so với một năm trước.

Ông Isaac Larian, CEO của công ty MGA nói: "43 năm trong nghề mà chưa bao giờ tôi chứng kiến viễn cảnh kinh doanh tệ như thế này".

Sự chậm trễ và thiếu hàng cũng có thể đồng nghĩa với việc các chương trình ưu đãi sẽ ít hơn, giá cả trở nên đắt đỏ hơn trong dịp mua sắm trước kỳ nghỉ lễ. Các chuyên gia đang dự báo mức tăng giá từ 5% đến 30% trong giai đoạn này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước