Ngành Công Thương và Nông nghiệp chịu trách nhiệm trước dân nếu thiếu hàng thiết yếu

Thuỳ An-Chủ nhật, ngày 18/07/2021 16:33 GMT+7

VTV.vn - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh việc cung ứng hàng hoá hiện tại như trong "thời chiến" chứ không phải trong điều kiện bình thường.

Sáng 18/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã họp trực tuyến với các Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trường phía Nam nhằm tìm giải pháp đảm bảo hàng hóa thiết yếu chuẩn bị cho việc áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg tại 19 tỉnh, thành phố từ 0h ngày 19/7.

Cung ứng chưa sát thực tế

Thông tin tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau 7 ngày thực hiện áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, việc cung ứng hàng hóa bị đứt gãy nghiêm trọng.

Có những thời điểm người dân rất bức xúc vì hàng hóa cung ứng không kịp thời do các chợ đầu mối đã dừng hoạt động, chỉ còn các siêu thị và cửa hàng tiện lợi mở cửa. Đối với lực lượng phục vụ cho việc cung ứng hàng hóa cho người dân, mỗi ngày có từ 200.000 – 210.000 người hoạt động trong các chợ đầu mối.

"Tuy nhiên, những ngày qua chỉ có 2.000 người hoạt động ở cửa hàng tiện lợi, siêu thị. Các vùng ven đô xung quanh TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách nên xảy ra thiếu hụt và đứt gãy nghiêm trọng nguồn lao động.

Bên cạnh đó, việc lưu chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố, các vùng và 3 miền khó khăn, gây "hỗn loạn" cho khu vực, nếu không có biện pháp kịp thời tình hình sẽ gặp rất nhiều khó khăn", ông Diên cho biết.

Ngành Công Thương và Nông nghiệp chịu trách nhiệm trước dân nếu thiếu hàng thiết yếu - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh việc khi mở lại các chợ truyền thông cần phải đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, tại chợ đầu mối, việc mua bán ở chợ là cuộc sống của người dân ven đô, nay đóng cửa khiến hàng vạn người bị ảnh hưởng. Do vậy, từ 6h30 ngày 18/7, thành phố đã nhất trí cho mở lại một số chợ truyền thống khiến bà con tiểu thương rất phấn khởi.

Thế nhưng, nếu mở lại chợ đầu mối sẽ phải kèm theo những điều kiện phòng, chống dịch, áp dụng biện pháp 5K, khử khuẩn thường xuyên, tiêm vaccine và xét nghiệm cho tiểu thương.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, diễn biến dịch đang phức tạp và nghiêm trọng. Vì thế, việc cung ứng hàng hóa là vấn đề hết sức khó khăn, nếu thiếu hàng hóa thiết yếu người dân sẽ không đủ lực dập dịch và kéo theo nhiều hệ lụy.

Đề nghị không đóng cửa tất cả các chợ đầu mối, chợ truyền thống

Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Trưởng ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam cho biết, TP Hồ Chí Minh đã có kinh nghiệm chống dịch, nhưng các tỉnh, thành phố mới áp dụng Chỉ thị 16 ít nhiều sẽ gặp khó khăn và tình hình sẽ thay đổi từng giờ.

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, hiện nay khác và rất khác so với bình thường nên có một vài nơi hàng hóa thiếu, giá cao là chuyện bình thường. Hơn nữa, tại các chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh dừng hoạt động làm thiếu hụt hàng hóa cho người dân và cũng gây khó khăn cho các tỉnh, thành phố khác do thiếu đầu ra và nơi cung cấp hàng hóa.

Do đó, đề nghị không đóng cửa tất cả các chợ đầu mối, chợ truyền thống tại 16 tỉnh, thành phố mới áp dụng nguyên tắc Chỉ thị 16. Các chợ đầu mối, chợ truyền thống phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch; tăng giờ bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại và các điểm bán lưu động.

Ngành Công Thương và Nông nghiệp chịu trách nhiệm trước dân nếu thiếu hàng thiết yếu - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đề nghị không đóng cửa tất cả các chợ đầu mối, chợ truyền thống tại 16 tỉnh, thành phố áp dụng nguyên tắc Chỉ thi 16

Tại cuộc họp, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Phó Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho Tp.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam nhấn mạnh: Mặc dù có nhiều kinh nghiệm, kịch bản và trải qua thực tiễn nên lượng hàng hóa cung ứng đã được chuẩn bị tăng gấp 3 lần. Dù vậy, tại một số thời điểm vẫn có tình trạng thiếu hàng cục bộ.

Theo ông Trần Duy Đông, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi là công cụ chính; có việc giá cả tăng 5 - 10%, rau, củ, quả tươi sống tăng mạnh có nơi lên đến 50 - 60% do thiếu nguồn cung cục bộ bởi thời gian vận chuyển tăng, chi phí nhân công tăng cao liên tục từ kho đến cửa hàng, chi phí lấy giấy xét nghiệm chỉ có tác dụng trong 3 ngày.

Do đó, ông Trần Duy Đông kiến nghị thiết lập kho trung chuyển ngay cạnh các chợ đầu mối, sớm mở chợ đầu mối với 3 biện pháp kiểm soát và TP Hồ Chí Minh hỗ trợ các hệ thống phân phối như SaigonCo.op, Strata có thêm mặt bằng để lưu kho, vận chuyển; cung cấp danh sách các nhà cung ứng đảm bảo.

Cũng theo ông Trần Duy Đông, trước thực trạng TP Hồ Chí Minh thông báo thiếu 200 triệu quả trứng gà, Ban chỉ đạo đã liên hệ với các đơn vị lớn như Dabaco, Ba Huân, kết hợp với VnPosst chuyển ngay vào TP Hồ Chí Minh để phục vụ nhu cầu của người dân.

Chịu trách nhiệm nếu để đứt gãy chuỗi cung ứng

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, lúc này cần tạo sự thông suốt thị trường bởi thực tế dịch bệnh diễn biến rất nhanh nên địa phương phải nắm chắc tình hình, đi xuống địa bàn, vùng nguyên liệu lớn để nắm thông tin, xử lý thông tin, kết nối thông tin cung cầu hàng hóa.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh tới 3 khâu thu hoạch, vận chuyển và phân phối phải cùng kích hoạt để thực hiện, cùng ngồi với nhau để xử lý vướng mắc.

"Vì thế các đơn vị phải phối hợp đồng thời giữa việc điều tiết của thị trường và Nhà nước, khi tình thế khó khăn hơn Nhà nước phải nắm vai trò điều tiết thị trường, cho lực lượng tham gia vào vận chuyển, phân phối hàng hóa", ông Hoan nhấn mạnh.

Trên cơ sở các ý kiến, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, diễn biến dịch ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đang rất phức tạp và tình hình có thể nghiêm trọng hơn trong các ngày tới. Vì vậy, việc cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu là nhiệm vụ lớn nên cần xác định tâm thế đây là "thời chiến" chứ không phải trong điều kiện bình thường.

"Trong mọi tình huống hai ngành chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân là không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là lương thực, thực phẩm, rau củ quả, hàng tươi sống, thuốc men", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Ngành Công Thương và Nông nghiệp chịu trách nhiệm trước dân nếu thiếu hàng thiết yếu - Ảnh 3.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh ngành Công Thương và Nông nghiệp phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhân dân nếu để xảy ra việc đứt gãy chuỗi cung ứng hàng thiết yếu

Theo ông Diên cần khẩn trương đánh giá dự báo tình hình, khảo sát và nắm bắt đúng nhu cầu hàng hóa thiết yếu từng địa bàn, từ đó đưa ra cân đối cung cầu tại chỗ.

"Quan trọng là địa phương phải kê được cái gì mình có, cái gì mình thiếu, cần mua, cần bán, trên cơ sở đó Tổ công tác tiền phương và Ban chỉ đạo hai Bộ mới có thể điều tiết được", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, các địa phương phải xây dựng kịch bản trong tình huống mức độ cao hơn. Trước hết có thể áp dụng cơ chế thị trường, phân phối hàng hóa mua bán trao đổi, nhưng nếu tình hình phức tạp, vai trò của Nhà nước rất quan trọng. Đồng thời, nhất trí với đề xuất tiếp tục duy trì chợ đầu mối kèm theo điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh. Đơn cử như áp dụng biện pháp giãn cách, cấp mã QR hoặc phát thẻ cho người dân vào chợ, đảm bảo an toàn giao dịch ở chợ.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu phối hợp chặt chẽ với các ngành giao thông, y tế, công an, quân đội làm tốt việc lưu thông phân phối, điều tiết hàng hóa từ nơi dồi dào đến nơi thiếu hụt một cách kịp thời, cái gì cần bán phải kết nối nơi cần mua để giải quyết bài toán thừa - thiếu.

Với vùng nuôi trồng bị đứt gãy chuỗi cung ứng phải báo cáo ngay với hai Bộ, trong trường hợp cần thiết kiến nghị huy động lực lượng quân đội tại chỗ, sẵn sàng.

Nhấn mạnh vai trò của quản lý thị trường là lực lượng chủ công, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu cần chủ động, bám sát tình hình, xử lý nghiêm hiện tượng găm hàng, nâng giá, trục lợi, hàng gian, hàng giả, kém chất lượng. Đặc biệt, ngay trong hôm nay Tổng cục Quản lý thị trường phải cử thêm lực lượng vào khu vực phía Nam để kiểm tra, xử lý kịp thời việc vi phạm, găm hàng nâng giá, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước