Ngày 5/11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về CPTPP, và dự kiến ngay đầu tuần tới, Quốc hội sẽ bỏ phiếu phê chuẩn thông qua hiệp định này cùng các văn kiện liên quan. Với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay, không thể phủ nhận ý nghĩa quan trọng của hiệp định này. Thế nhưng, như một vị đại biểu Quốc hội đã chia sẻ ngày 5/11, CPTPP không chỉ là cuộc chơi của các chính phủ, mà quan trọng hơn cả là lực xung kích - những doanh nghiệp Việt.
Ngành dệt may được cho là có khả năng hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP. Thế nhưng theo quy định, doanh nghiệp dệt may Việt phải có các nguyên liệu xuất xứ nội khối CPTPP mới được phép hưởng ưu đãi thuế quan. Trong khi đó, nguồn cung vải từ khối doanh nghiệp Việt còn rất hạn chế và không phải doanh nghiệp nào cũng có điều kiện để đầu tư một nhà máy dệt vải.
Qua một khảo sát của VCCI vào năm 2016 (thời điểm TPP - tiền thân CPTPP - được ký kết), có gần 70% doanh nghiệp đã biết về TPP nhưng lại có tới 70% trong số đó chỉ biết sơ qua và chỉ nghe nói tới TPP (mới chỉ dừng ở mức hứng khởi, chứ chưa thực sự sẵn sàng). Thiếu sự chuẩn bị cũng chính là thiếu đi năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại. Qua các phiên họp Quốc hội trong những ngày qua, các đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ những băn khoăn về năng lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!