Tại những thị trường mới trong số các nước tham gia CPTPP như Canada hay Australia, ngành dệt may Việt Nam mới chỉ có 3 - 4% thị phần.
Đã đầu tư thêm nhà máy tại khu vực phía Bắc để bắt làn sóng từ các hiệp định thương mại, thế nhưng, hiện nay 2 nhà máy của Công ty Cổ phần May Bình Minh tại Hà Nội và Hải Phòng đang rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng.
Quy định của CPTPP đánh đúng vào điểm yếu nhất của ngành dệt may, đó là yêu cầu phải có xuất xứ từ sợi tại chính các nước trong khối này.
Theo chuyên gia, chính quy định này đã khiến các nhà nhập khẩu đã liên tục dịch chuyển đơn hàng từ Việt Nam sang Bangladesh, Ấn Độ hoặc Myanmar, bởi lợi ích Việt Nam được hưởng từ ưu đãi thuế quan vẫn chưa rõ ràng.
Trong hơn 5 tỷ USD xuất khẩu từ Việt Nam vào khối CPTPP trong 6 tháng đầu năm nay, Nhật Bản chiếm phần lớn nhất - 3,8 tỷ USD, tiếp theo là Canada và Australia. Tuy nhiên, Nhật Bản và Việt Nam đã có hiệp định song phương từ trước, vì vậy thực tế những thị trường mới chưa thực sự được quan tâm.
Theo nhận định, những cú hích cho ngành dệt may Việt Nam vào CPTPP vẫn có thể được tạo ra, vấn đề là doanh nghiệp cần tìm được nguồn cung nguyên liệu bền vững. Chưa kể, dự báo các chuỗi giá trị dệt may của Việt Nam cũng đang được hoàn thiện nhờ dòng vốn FDI chảy vào liên tục, tập trung vào sản xuất sợi và vải.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!