Một năm sau Brexit, các tác động trực diện tới nền kinh tế Anh đều có nguồn gốc từ sự suy giảm của đồng tiền. Sự biến động mạnh của đồng Bảng trong 1 năm qua đã để lại ảnh hưởng đến nhiều mặt của nền kinh tế, theo những chiều hướng rất khác nhau.
Harrods, Selfridge hay các shop hàng hiệu ở khu Mayfair là địa điểm không xa lạ với những du khách đến London vì đồ xa xỉ. Doanh số bán lẻ hay tâm lý tiêu dùng của người Anh có thể chao đảo tùy theo tháng, theo mùa, nhưng lĩnh vực hàng xa xỉ nằm ngoài vòng xoáy này. Doanh thu trên thị trường đồng hồ cao cấp tăng 44% trong quý II năm nay. Các thương hiệu hạng sang báo cáo doanh thu tăng từ 3% đến hơn 20%.
Không chỉ hàng hiệu, các dịch vụ kinh doanh khách sạn, nhà hàng, dịch vụ du lịch cũng được hưởng lợi, từ lượng du khách tới Anh ở mức cao nhất trong vòng 5 năm gần đây. Lượng tiền du khách chi tiêu trong 3 tháng đầu năm tăng 15,6% so với cùng kỳ 2016.
Ngành dịch vụ chiếm khoảng 75% tổng giá trị nền kinh tế Anh. Brexit có thể nói đã gián tiếp góp phần thúc đẩy một số nhóm trong ngành này tăng trưởng bùng nổ. Nhưng Anh vẫn là một nước nhập siêu, trung bình mỗi tháng giá trị nhập siêu hơn 10 tỷ Bảng, theo số liệu cập nhật tháng 5/2017. Đồng Bảng giảm đang khiến mọi thứ nhập vào đắt lên và đối tượng chịu tác động nhiều nhất vẫn là người tiêu dùng Anh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!