Trước các thách thức như hiện tượng dư thừa công suất, quyết định áp thuế chống bán phá giá sắp hết hiệu lực và xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Doanh nghiệp ngành nhôm đề xuất một số hỗ trợ tạo động lực tăng trưởng.
Theo Hội nhôm thanh định hình Việt Nam, kể từ khi áp thuế xuất khẩu nhôm, đơn hàng xuất khẩu nhôm toàn ngành sụt giảm đến 90%.
Ông Dương Quốc Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Austdoor chia sẻ: "Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, chúng tôi cũng rất mong muốn Chính phủ quan tâm chỉ đạo cho các Bộ, Ban, Ngành để có giải pháp ngắn hạn là giảm thuế xuất khẩu xuống để hỗ trợ cho hàng hoá thanh nhôm định hình Việt Nam có thể tiếp cận được với các khách hàng nước ngoài."
Tháng 10/2024, quyết định áp thuế chống bán phá giá của Việt Nam đối với sản phẩm nhôm từ nước ngoài sẽ hết hiệu lực. Giai đoạn 2019 – 2020, việc áp thuế chống bán phá giá đã bảo vệ ngành nhôm Việt Nam giữ được thị trường trong nước. Bây giờ là thời điểm ngành nhôm đang chuẩn bị hồ sơ để chứng minh ngành cần tiếp tục được bảo vệ bằng biện pháp này.
"Việc các ngành sản xuất trong nước yêu cầu đề nghị điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại là hoàn toàn phù hợp với qui định trong nước và các cam kết quốc tế của Việt Nam. Để đủ điều kiện áp dụng biện pháp này sẽ phải trải qua quá trình điều tra và xem xét khách quan, minh bạch.", ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương cho biết.
Hiện tại, ngành nhôm đang dư thừa công suất đến 70%, Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ và các địa phương xem xét kĩ quy hoạch ngành nhôm để tiếp cận nguyên liệu "xanh" và tránh dư thừa công suất. Bên cạnh đó, ngành nhôm đề nghị xem xét cẩn trọng các dự án vốn FDI vào ngành nhôm Việt Nam để tránh hiện tượng lẩn tránh xuất xứ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!