Ngành sản xuất Đức chật vật vì giá năng lượng

VTV Digital-Thứ ba, ngày 23/08/2022 10:48 GMT+7

Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) tại Lubmin, Đức. Ảnh: Reuters

VTV.vn - Việc giá năng lượng liên tục tăng cao đang khiến các ngành sản xuất tại nhiều quốc gia châu Âu rơi vào tình trạng khó khăn.

Tại Italy - quốc gia có tới 40% lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga, các ngành công nghiệp như sản xuất thủy tinh và đóng hộp đã phải cắt giảm hoạt động sản xuất để ứng phó với tình trạng giá năng lượng tăng cao. Một số nhà máy luyện kim tại Hà Lan, Slovakia cũng đã buộc phải tạm ngừng sản xuất trong thời gian tới vì lý do tương tự.

Chịu nhiều tác động hơn cả chính là Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Trong suốt một thời gian dài, nguồn cung năng lượng giá rẻ từ Nga đã là động lực cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của các ngành công nghiệp Đức. Còn giờ đây, chính sự bấp bênh của nguồn cung này lại đang khiến các doanh nghiệp Đức phải chật vật tìm cách ứng phó.

Tại nhà máy của Zinkpower ở Meckenheim, miền tây nước Đức, khí đốt đang là mối bận tâm hàng đầu trong những ngày này. Không có đủ nguồn cung năng lượng, bể chứa của nhà máy vốn luôn nóng chảy suốt 365 ngày trong năm sẽ phải dừng hoạt động và toàn bộ kẽm trong lò hơi sẽ đóng băng, gây ra thiệt hại nặng nề.

"Chúng tôi đã cố gắng giảm mức tiêu thụ khí đốt của mình nhiều nhất có thể và cắt giảm được khoảng 20%. Tuy nhiên, nhà máy vẫn chỉ có thể vận hành nếu có đảm bảo được đủ nguồn cung khí đốt. Nhà máy chỉ có một bể chứa duy nhất và không thể đóng cửa một phần, chỉ có đóng hoặc mở cửa hoàn toàn", ông Jan Eckerskorn - Giám đốc nhà máy Zinkpower Meckenheim cho hay.

Ngành sản xuất Đức chật vật vì giá năng lượng - Ảnh 1.

Hàng loạt ngành công nghiệp của Đức vốn sử dụng nhiều khí đốt đều đang rơi vào tình trạng khó khăn. (Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images)

Hàng loạt ngành công nghiệp của Đức vốn sử dụng nhiều khí đốt đều đang rơi vào tình trạng khó khăn, từ sản xuất chai thủy tinh, thép, dược phẩm cho tới hóa chất. Tất cả đều đang phải đối mặt với chi phí cao hơn và nguồn cung năng lượng hết sức bấp bênh.

Ông Gerd Roders - Giám đốc điều hành công ty G.A.Roders cho biết: "Chúng tôi đã phải thương lượng lại với khách hàng và yêu cầu họ trả nhiều tiền hơn. Không thể tiếp tục giao sản phẩm mà lại chẳng thu được chút lợi nhuận nào".

Một số doanh nghiệp hiện đang cố gắng thực hiện các biện pháp chuyển đổi để giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, quá trình này được dự báo sẽ mất nhiều thời gian.

"Việc chuyển đổi không thể thực hiện trong ngắn hạn. Chỉ riêng việc xin giấy phép có thể đã mất nhiều tháng, hoặc thậm chí vài năm. Chi phí cho việc chuyển đổi cũng rất lớn và đó là lý do vì sao chúng tôi không thể triển khai trong nửa năm hay một năm tới", ông Jan Eckerskorn nói.

Với việc giá năng lượng tăng cao, hoạt động sản xuất của Đức sẽ tiếp tục bị thu hẹp. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của lĩnh vực sản xuất trong tháng 8 dự kiến chỉ đạt 48,2 - giảm mạnh so với tháng 7, đánh dấu tháng giảm tốc thứ 8 liên tiếp. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu bởi Đức hiện là cường quốc hàng đầu thế giới về xuất khẩu, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc.

Giá sản xuất tại Đức tăng cao kỷ lục trong tháng 7 Giá sản xuất tại Đức tăng cao kỷ lục trong tháng 7

VTV.vn - Giá sản xuất tại Đức đã tăng với tốc độ kỷ lục trong tháng 7/2022, với các sản phẩm công nghiệp đắt hơn 37,2% so với cùng kỳ năm ngoái.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước