Ngành Thủy sản thắng lớn nhờ tôm

Mỹ Duyên-Thứ hai, ngày 11/08/2014 14:41 GMT+7

7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã đạt hơn 4 tỷ USD, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm trước. Con tôm tiếp tục giữ vị trí đầu bảng với gần 1,8 tỷ USD, tăng 62%. Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và một số nước châu Âu tiếp tục là thị trường chính của Việt Nam.

7 tháng qua, không chỉ sản lượng tôm tại ĐBSCL tăng cao mà giá cả xuất khẩu cũng thuận lợi hơn so với trước, trong đó đáng chú ý là tôm thẻ chân trắng đã có sự phát triển tốt tại nhiều thị trường với mức tăng trưởng hầu hết ở hai con số, thậm chí với ba con số như thị trường Mỹ, Hàn Quốc. Nếu so với năm 2013, sản lượng tôm chân trắng đã tăng gấp 4 lần 400%. Bên cạnh đó, con tôm sú vẫn là mặt hàng xuất khẩu ưu thế của Việt Nam so với các nhà cung cấp khác bởi Việt Nam hiện là nước sản xuất tôm sú lớn nhất trên thế giới với sản lượng ổn định. Đây là những cơ sở giúp giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam duy trì tăng trưởng mạnh.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tôm Việt Nam tiếp tục có giá cao hơn so với các nước khác, mặt hàng thủy sản nơi đây vẫn đang chi phối thị trường thế giới do nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng tốt và giá bán hợp lý. Trong khi đó, ngành sản xuất tôm của các nước như Thái Lan và Trung Quốc vẫn chưa phục hồi. Các sản phẩm tôm của Ấn Độ có giá thấp vì công nghệ chế biến hạn chế, chủ yếu là các sản phẩm tôm block (tôm còn nguyên hình dạng được làm sạch, xếp vào khuôn, rồi làm đông). Đây là cơ hội cho ngành sản xuất tôm Việt Nam tăng mạnh trong thời gian tới.

Đến thời điểm này, hầu hết diện tích tôm thả nuôi cuối năm 2013 và vụ 1 năm 2014 của 30 địa phương tôm nước lợ đều đã thu hoạch. Kết quả cho thấy sản lượng tăng so với cùng kỳ. Đây sẽ là cơ hội tốt để con tôm Việt Nam tiếp tục đứng vững trên thị truờng thế giới và đưa kim ngạch xuất khẩu mặt hàng có thế mạnh của cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng về đích sớm hơn dự kiến.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước