Theo quan niệm dân gian, đến ngày vía Thần Tài, người dân sẽ sắm sửa lễ vật cúng Thần Tài và mua vàng để cầu tài lộc, may mắn, sung túc cho cả năm.
Chiều mùng 8 tháng Giêng âm lịch tại khu phố Trần Nhân Tông, Hà Nội - nơi tập trung các nhãn hiệu vàng trong nước, không khí mua sắm khá nhộn nhịp khi người dân chuẩn bị cho ngày vía Thần Tài.
Ông Đinh Đức Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Bảo Tín Đức Hùng, cho biết: "Thứ nhất, tích trữ vàng là văn hóa rồi, thứ hai là dịch bệnh, nhiều người không làm ăn được nên họ có xu hướng tích cóp, không tiêu pha như trước. Mua vàng thì dễ hơn chứng khoán, Bitcoin. Chứng khoán, Bitcoin cần kiến thức và khó đầu tư hơn vàng. Vì thế, người ta có xu hướng là thích tích trữ vàng".
Nhiều tiệm vàng cho biết, kể từ khi mở cửa trở lại vào mùng 5 Tết Nguyên đán, lượng khách đến giao dịch đã tăng 25-30% so với trước Tết. Ông Nguyễn Hữu Thuyết, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu, chia sẻ: "Đầu xuân năm mới, đa phần người dân mua vào với số lượng nhỏ, 1 - 2 chỉ lấy lộc đầu năm. Một bộ phận người dân thì nhân cơ hội vàng tăng cao bán chốt lời. Sát đến ngày Thần Tài thì giá khá cao rồi, giá sẽ ổn định trong mức này thôi".
Theo các chuyên gia, giá vàng trong nước sẽ còn nhiều thay đổi trong thời gian tới do ảnh hưởng của giá vàng thế giới.
Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, nhận định: "Giá vàng thế giới tăng trong những ngày qua vì bất ổn chính trị. Sau này khả năng kiểm soát dịch bệnh cũng ảnh hưởng nhất định đến giá vàng. Trước ngày Thần Tài, giá vàng nhích lên. Tuy nhiên, nhích lên cũng có thể đi xuống. Cụ thể hôm nay giá đi xuống rồi, điều chỉnh cho phù hợp".
Tính đến 14h ngày 8/2, giá của nhiều thương hiệu vàng trong nước đã có dấu hiệu bình ổn trở lại khi giảm xuống sau nhiều phiên tăng sốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!