Nghị quyết 18: Khơi thông nguồn lực đất đai, tạo sức bật cho phát triển

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 23/07/2022 12:51 GMT+7

VTV.vn - Nghị quyết 18 được đánh giá là cột mốc quan trọng, với những điểm mới đột phá, hướng đến giải pháp nhằm khơi thông nguồn lực đất đai, tạo sức bật cho phát triển.

Đất đai một vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm, là nguồn sống của nhân dân. Đây cũng là nguồn lực to lớn của đất nước và là vấn đề hệ trọng đối với sự ổn định, phát triển bền vững đất nước. 

Cũng bởi lẽ đó, Nghị quyết 18 mới được Trung ương ban hành về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" được đánh giá là cột mốc quan trọng, với những điểm mới đột phá, hướng đến giải pháp nhằm khơi thông nguồn lực đất đai, tạo sức bật cho phát triển.

Nhiều điểm mới đột phá trong Nghị quyết 18 về đất đai

Nghị quyết 18 của Trung ương tiếp tục khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng là đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu.

Nghị quyết 18: Khơi thông nguồn lực đất đai, tạo sức bật cho phát triển - Ảnh 1.

Đất đai là nguồn lực to lớn của đất nước và là vấn đề hệ trọng đối với sự ổn định, phát triển bền vững đất nước. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

Nghị quyết có nhiều điểm mới cả trong quan điểm, mục tiêu, cả trong nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Theo đó, về quy hoạch sử dụng đất, Nghị quyết nhấn mạnh: "Nhà nước đảm bảo đủ nguồn lực để lập quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất" để hạn chế việc lạm dụng, tham nhũng, tiêu cực".

Nghị quyết cũng đề ra nhiệm vụ: Hoàn thiện các quy định để đảm bảo công khai, minh bạch về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất.

Nghị quyết cũng quy định bỏ khung giá đất, đồng thời yêu cầu có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Đồng thời, Trung ương cũng quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất.

Nghịch lý giá đất giữa giá đền bù và giá thị trường là một trong những nguyên nhân dẫn đến những tranh chấp, phức tạp. Do đó, yêu cầu đưa giá đất về sát giá thị trường là một trong những giải pháp quan trọng được kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập trong lĩnh vực đất đai hiện nay.

Bịt "lỗ hổng" trong quản lý đất đai

Trong 1 tháng, một cán bộ phải xử lý hàng loạt đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan tới đất đai. Ba năm qua, Ban Tiếp dân Trung ương đã tiếp gần 100.000 lượt người tới khiếu kiện, với tổng số gần 24.500 vụ việc, trong đó hơn 70% các vụ việc liên quan tới đất đai, cá biệt năm 2021 đã chiếm tới 81%.

Theo Trưởng ban Tiếp Công dân Trung ương tình trạng khiếu kiện chắc chắn sẽ giảm mạnh sau khi Nghị quyết 18 về đất đai đi vào cuộc sống, bởi nghị quyết này đặt ra yêu cầu công khai, minh bạch trong tất cả các khâu giao đất, thuê đất và xác định giá đất.

Nhiều năm qua, hầu hết số vụ án về tham nhũng đất đai ở các địa phương, cán bộ quản lý đã lợi dụng kẽ hở của luật để trục lợi từ việc thiếu minh bạch trong giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất không sát giá thị trường…

Để khắc phục lỗ hổng này, Nghị quyết 18 yêu cầu tăng tính công khai minh bạch khi bỏ khung giá đất, xác lập cơ chế định giá thị trường.

"Làm đúng được tinh thần nghị quyết sẽ đảm bảo được tính ổn định, tính bền vững, lâu dài hơn, thay vì lgiá cả lên xuống thất thường, thay vì những nhà đầu tư không chuyên nghiệp hay năng lực tài chính kém, chất lượng đầu tư không tốt vẫn có thể tham gia thị trường, thì nó sẽ sàng lọc, sẽ đảm bảo người mua là người mua thật, người bán là bán thật", Luật sư Trương Thanh Đức, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, nhận định.

Đất đai là tài sản đặc biệt, là tư liệu sản xuất cơ bản và là tài nguyên vô cùng quý giá. Tuy nhiên việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên này còn nhiều bất cập. Hiện tượng đất để hoang, để lãng phí vẫn diễn ra ở nhiều nơi, do đó cần có có giải pháp hữu hiệu để khơi thông nguồn lực vô giá này.

Hạn chế lãng phí nguồn lực đất đai

Năm nay đã gần 70, cả đời gắn bó với ruộng đồng, chưa bao giờ bà Mây (thị trấn Tiền Hải, huyện Tiền Hải, Thái Bình) thấy nhiều nông dân bỏ canh tác như bây giờ.

"Nhiều nhà họ cho cấy không. Mảnh ruộng này bỏ 7 - 8 năm rồi", bà Hoàng Thị Mây chia sẻ.

"Lúc đầu người ta câý lúa. Sau này cách đây khoảng gần chục năm thấy tự dưng người ta bỏ", ông Đoàn Quang Hòa, bảo vệ Công ty Dầu khí Sông Hồng, cho hay.

Trên những cánh đồng, không khó để có thể bắt gặp những thửa ruộng bỏ.

"Người dân bỏ canh tác dẫn đến lãng phí tài nguyên đất, lãng phí nguồn vốn đầu tư vào công trình hạ tầng thủy lợi, đường xá phục vụ việc sản xuất lúa", ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận xét.

Còn tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhất là các vùng ven biển, tình trạng bỏ hoang đất vàng không phải là hiếm gặp. Đất vàng nhưng không thể đẻ ra vàng. Thậm chí, nó trở thành nơi xả thải của những người thiếu ý thức.

Nghị quyết 18: Khơi thông nguồn lực đất đai, tạo sức bật cho phát triển - Ảnh 2.

Tại các thành phố lớn, nhất là các vùng ven biển, tình trạng bỏ hoang đất vàng không phải là hiếm gặp. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

"Đất đai là nguồn lực rất quan trọng. Chúng ta phải biết nhà đầu tư nào, khả năng vào như thế nào thì trong hợp đồng phải nêu rõ chứ không thể 5 - 10 ha, thậm chí cả trăm ha anh cứ để lại 5 - 7 năm. Người ta chỉ muốn chiếm đất", ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nói.

Ước tính cả nước có trên 3.200 dự án với diện tích lên tới trên 85.200 ha đất đã được Nhà nước giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng, nhưng chủ đầu tư các dự án đã chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng trong nhiều năm.

Nghị quyết 18 được ban hành đã đáp ứng mong đợi của nhiều người dân, với kỳ vọng hiện thực hóa những nội dung của Nghị quyết sẽ khắc phục được hạn chế, bất cập trong chính sách và quản lý đất đai tồn tại nhiều năm nay.

Tại Hội nghị Trung ương 5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: "Nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em vì đất...". Nói như vậy để đủ thấy tính phức tạp và hệ trọng của vấn đề.

Vì vậy, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai sẽ là cơ sở quan trọng tạo nguồn lực và động lực mới để phát triển.

Nghị quyết 18 có nhiều điểm mới nổi bật, trong đó "bỏ khung giá đất" được coi là một đột phá. Vậy từ thực tiễn, việc áp dụng khung giá đất thời gian qua đã gây ra những bất cập gì? Nghị quyết 18 đưa giải pháp gì khắc phục tình trạng đất bỏ hoang, lãng phí?

Luật Đất đai sửa đổi tới đây cần phải tháo gỡ những vấn đề gì khắc phục những bất cập của Luật Đất đai hiện hành? Đâu sẽ là những điểm mấu chốt Luật mới cần tập trung giải quyết?

Chương trình Sự kiện và Bình luận (23/7) với sự tham gia của ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phần nào giải đáp những thắc mắc. Mời quý vị theo dõi qua video trên!

Công khai, minh bạch trong lĩnh vực đất đai Công khai, minh bạch trong lĩnh vực đất đai

VTV.vn - Nghị quyết 18 yêu cầu tăng tính công khai minh bạch khi bỏ khung giá đất, xác lập cơ chế định giá thị trường.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước