Ngoại giao "gỡ khó" cho xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam sang Trung Đông - châu Phi

T.K-Thứ sáu, ngày 06/07/2018 06:25 GMT+7

VTV.vn - Ngày 5/7/2018, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội thảo “Ngoại giao với hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Đông - châu Phi”.

Hội thảo nhằm đánh giá tiềm năng, cơ hội, thực trạng xuất khẩu hàng nông, thủy sản sang khu vực Trung Đông - châu Phi thời gian qua và trao đổi về các giải pháp để Bộ Ngoại giao và các bộ/ngành liên quan đồng hành cùng doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu hàng nông, thủy sản của ta sang khu vực này thời gian tới.

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của hơn 200 đại biểu gồm các Đại sứ, đại diện Đại sứ quán các nước khu vực Trung Đông - châu Phi tại Việt Nam, đại diện các bộ ngành liên quan và nhiều địa phương trong cả nước, cùng các hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam và các nước khu vực hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu nông, thủy sản.

Ngoại giao gỡ khó cho xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam sang Trung Đông - châu Phi - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam đánh giá cao sự tham dự đông đảo của các cơ quan trung ương, địa phương, các Đại sứ quán, các doanh nghiệp hai bên, thể hiện sự quan tâm và nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tăng cường hợp tác nhằm khai thác tiềm năng thương mại với thị trường Trung Đông - châu Phi. Thứ trưởng khẳng định công tác ngoại giao phục vụ kinh tế là một trọng tâm công tác của Bộ Ngoại giao. Bộ Ngoại giao và các cơ quan hữu quan nhà nước luôn sát cánh, đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp thành công trong quá trình phát triển, mở rộng thị trường và hội nhập sâu rộng với thế giới.

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam nhấn mạnh, Trung Đông - châu Phi là thị trường lớn với hơn 1,6 tỷ dân, nguồn lực tài chính mạnh, nhất là khu vực Trung Đông, nhiều tiềm năng xuất khẩu, sức mua lớn và có mối quan hệ chặt chẽ với Việt Nam trong truyền thống lịch sử cũng như hiện nay. Tuy vậy, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với Trung Đông - châu Phi mới đạt trên 20 tỷ USD, còn rất nhiều tiềm năng cần được khai thác.

"Trong bối cảnh xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường truyền thống gặp nhiều khó khăn, với một trong những nhiệm vụ quan trọng là ngoại giao phục vụ kinh tế, Bộ Ngoại giao luôn đồng hành cùng doanh nghiệp mở rộng làm ăn tại khu vực Trung Đông - châu Phi", Thứ trưởng Vũ Hồng Nam khẳng định.

Ngoại giao gỡ khó cho xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam sang Trung Đông - châu Phi - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam chia sẻ bên lề Hội thảo.

Tại Phiên thảo luận, đại diện các Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ, Ngoại giao đã trình bày về tiềm năng và cơ hội xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Trung Đông-châu Phi và một số vấn đề cần lưu ý khi xuất khẩu hàng nông thủy sản vào thị trường khu vực; thuận lợi và khó khăn trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam với khu vực; về vai trò của giấy chứng nhận Halal trong việc xuất khẩu nông thủy sản sang khu vực Trung Đông và công tác ngoại giao kinh tế đồng hành cùng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đại diện các CQĐD ngoại giao và doanh nghiệp các nước Nam Phi, Angola, Iran và Israel cũng thông tin về tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực này với Việt Nam.

Ông Đỗ Quốc Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương), đánh giá thủy sản là mặt hàng quan trọng trong trao đổi thương mại giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông và Châu Phi và có kim ngạch tăng trưởng nhanh trong các năm qua. Đây là mặt hàng xuất khẩu có nhiều khởi sắc trong những năm gần đây và giàu tiềm năng trong tương lai.

Do đó, ông Hưng cho rằng, cần đặt thị trường Trung Đông và châu Phi vào vị trí xứng đáng trong chiến lược xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Bên cạnh đó, phải bắt tay xây dựng kênh phân phối để phát triển thị trường xuất khẩu bền vững. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt cũng cần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình và quan tâm hơn tới bao bì, nhãn mác, nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

Bà Đoàn Phương Lan - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế - Bộ Ngoại giao cho rằng, hỗ trợ doanh nghiệp, ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế là một trong những trụ cột trong công tác ngoại giao. Thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã triển khai thực hiện các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo các nước Israel, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Mozambique tới Việt Nam, trong các chuyến thăm đó, nội hàm kinh tế luôn được thúc đẩy, đặc biệt là các dự án kinh tế trọng điểm.

Theo bà Lan, hiện nay Bộ Ngoại giao có 17 cơ quan đại diện tại khu vực này, kiêm nghiệm 72 quốc gia, là những "ăng ten" đầu mối giữa doanh nghiệp và nước sở tại. Trong thời gian tới, để tăng cường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, theo bà Phương Lan, trong các đoàn cấp cao, nội dung kinh tế cần cụ thể hơn và phối hợp tốt hơn giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương.

Ngoài ra, thông tin về thị trường cần đầy đủ, cụ thể hơn, phù hợp với doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ vướng mắc rủi ro khi doanh nghiệp hoạt động ở các nước; hỗ trợ xác minh thẩm tra đối tác, giảm thiểu các rủi ro; hỗ trợ cho doanh nghiệp kết nối với chính quyền địa phương ở nước sở tại; tư vấn kết nối các doanh nghiệp với các tổ chức, đầu mối, ngành hàng ở nước sở tại; hoạt động xúc tiến thương mại hoặc tham gia các hội chợ ở nước ngoài...

Ngoại giao gỡ khó cho xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam sang Trung Đông - châu Phi - Ảnh 3.

Đại diện Đại sứ quán các nước khu vực Trung Đông - châu Phi tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Theo đánh giá của đại diện các cơ quan, doanh nghiệp tại Hội thảo, với dân số trên 1,6 tỷ người, Trung Đông - châu Phi là thị trường tiêu thụ lớn và đầy tiềm năng đối với các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam. Thời gian qua, một số sản phẩm nông, thủy sản Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định tại thị trường Trung Đông – châu Phi như gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, tôm và cá tra… Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang khu vực vẫn còn rất khiêm tốn nếu so sánh với các thị trường truyền thống khác và chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của cả hai bên (năm 2017, kim ngạch nhập khẩu nông sản, thực phẩm của khu vực Trung Đông-châu Phi là 81 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên 180 tỷ USD vào năm 2025).

Hoạt động xuất khẩu nông sản của doanh nghiệp ta sang khu vực Trung Đông - châu Phi thời gian qua cũng bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế nhất định. Về chủ quan, các doanh nghiệp đang gặp các vấn đề về thương hiệu, sử dụng chất cấm trong nuôi trồng thủy hải sản, chủng loại, mẫu mã sản phẩm còn chưa phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng khu vực, hạn chế trong hoạt động chứng nhận Halal, tâm lý e ngại của các doanh nghiệp ta khi kinh doanh với các đối tác tại thị trường khu vực này… Về khách quan, bất ổn chính trị, quy định pháp luật thường xuyên thay đổi, sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo, cung cách làm việc của các nước Trung Đông-châu Phi, chi phí vận chuyển cao, phương thức thanh toán hợp đồng gặp nhiều rủi ro, thiếu thông tin thị trường, cạnh tranh của các nước châu Á khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan… là những yếu tố gây tác động không nhỏ đến kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản sang khu vực này.

Từ thực trạng trên, các doanh nghiệp đã đối thoại cùng đại diện các bộ, ngành về một số kiến nghị, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như xây dựng và đẩy mạnh quảng bá thương hiệu tại thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong vấn đề chứng nhận Halal, tăng cường trao đổi thông tin giữa các cơ quan ngoại giao và thương vụ với doanh nghiệp về thị trường và đối tác khu vực, mở rộng mạng lưới hợp tác với các ngân hàng uy tín của khu vực...


Trung Đông và châu Phi: Khối thị trường tiềm năng Trung Đông và châu Phi: Khối thị trường tiềm năng

VTV.vn - Năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Đông - Châu Phi đạt mức 23,3 tỷ USD, trong đó, phía Việt Nam xuất khẩu 14,9 tỷ USD và nhập khẩu 8,4 tỷ USD.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước