Người dân đổ xô mua nước dừa, Trung Quốc tăng nhập khẩu

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 23/08/2021 14:32 GMT+7

VTV.vn - Nước dừa đang trở nên phổ biến như một thức uống dùng để bù nước. Nhu cầu về đồ uống kết hợp với dừa đang trở thành đồ uống được giới trẻ Trung Quốc ưa chuộng.

Tại trung tâm thủ đô Bắc Kinh, khách hàng đang đổ xô đến các cửa hàng đồ uống để tìm kiếm cảm giác như đang trong kỳ hè ở biển. Tất cả nhờ vào những loại đồ uống được pha chế cùng với nước dừa tươi.

"Tất cả những quả dừa chúng tôi phục vụ khách hàng đều được chuyển trực tiếp từ Thái Lan sang. Chúng tôi thuê các chuyên gia chuyên làm nhiệm vụ đục nước dừa ở trong bếp, nếm thử nước dừa và cùi dừa. Đây là cách để chúng tôi loại bỏ những quả đã bị hỏng", cô Pan Panpan, Quản lý cửa hàng đồ uống, chia sẻ.

Chuỗi cửa hàng đồ uống từ dừa Cocoocean bắt đầu kinh doanh từ năm 2016. Tuy nhiên, sau khi dịch COVID-19 bùng phát, doanh số bán hàng của chuỗi mới bắt đầu tăng mạnh khi nhiều người tiêu dùng chuyển sang dùng các thực phẩm và đồ uống có lợi cho sức khỏe.

Người dân đổ xô mua nước dừa, Trung Quốc tăng nhập khẩu - Ảnh 1.

Nước dừa đang trở nên phổ biến như một thức uống dùng để bù nước, cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. (Ảnh: Xinhua)

"Nước dừa và nước cốt dừa là những mặt hàng được ưa chuộng nhất. Tôi cảm thấy mọi người đang chú ý đến sức khỏe hơn nhiều sau đại dịch COVID-19", cô Pan Panpan cho biết.

"Đây là lần đầu tiên tôi đến đây. Tôi đã từng thử cà phê cốt dừa Americano, nhưng nó quá ngọt. Do muốn tăng cường sức khỏe nên tôi đến đây. Tôi dùng cà phê kết hợp với nước dừa nên không phải lo lắng gì nữa", cô Yuan, khách hàng, cho hay.

Nhu cầu về dừa đang tăng nhanh ở Trung Quốc đến mức các chuỗi cà phê tên tuổi và các cửa hàng trà sữa cũng muốn đưa dừa vào trong đồ uống của mình.

Chính vì vậy, công ty chế biến các sản phẩm từ dừa như FreshYolo, có trụ sở tại Chiết Giang đang được hưởng lợi, công ty chuyên nhập khẩu dừa từ Thái Lan và Việt Nam về để chế biến và cung cấp cho các chuỗi cà phê hay trà sữa. Nhờ vậy, doanh thu của công ty đã chứng kiến mức tăng 8 lần so với cùng kỳ năm 2020. Riêng doanh số bán lẻ của công ty trên nền tảng thương mại điện tử Tmall cũng tăng gần 4 lần trong tháng 6.

Trung Quốc cũng là nước sản xuất dừa, tuy nhiên mỗi năm, nước này chỉ thu hoạch khiêm tốn được khoảng 300 triệu quả. Con số này không thấm là bao so với nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng của quốc gia khoảng 1,4 tỷ dân này.

Những năm gần đây, Trung Quốc phải tăng cường nhập khẩu dừa từ các nước Đông Nam Á để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước. Trong đó Thái Lan là quốc gia Trung Quốc nhập khẩu dừa nhiều nhất.

Về phía Thái Lan, nước này không chỉ tập trung phát triển thị trường truyền thống như Trung Quốc, mà còn mở rộng ra các thị trường đầy tiềm năng khác ở châu Âu và châu Mỹ.

Thái Lan đẩy mạnh xuất khẩu dừa

Thái Lan là một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu nước dừa lớn nhất trên thế giới. Xuất khẩu nước dừa đã đem lại cho quốc gia Đông Nam Á này 411 triệu USD năm 2019.

"Mỗi năm chúng tôi xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn dừa. Chúng tôi đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa việc xuất khẩu dừa ra thế giới", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Thái Lan Mananya Thaiset.

Người dân đổ xô mua nước dừa, Trung Quốc tăng nhập khẩu - Ảnh 2.

Không chỉ tập trung phát triển ở thị trường truyền thống như Trung Quốc, Thái Lan còn mở rộng xuất khẩu dừa sang các thị trường đầy tiềm năng khác ở châu Âu và châu Mỹ. (Ảnh minh họa: Reuters)

Trung Quốc là khách hàng mua dừa nhiều nhất của Thái Lan, chiếm tới hơn 80%. Năm 2020, lượng dừa xuất khẩu của Thái Lan sang quốc gia khoảng 1,4 tỷ dân đã tăng từ 10% - 20% so với năm trước do nhu cầu của người tiêu dùng tăng mạnh.

Sở dĩ người tiêu dùng ở Trung Quốc ưa thích dừa xiêm xanh của Thái Lan, bởi so với các loại dừa thông thường, dừa xiêm xanh có mùi thơm đậm đà hơn, nước dừa trong như nước, ngọt thanh nhưng không béo ngậy và đầy đủ chất dinh dưỡng. Loại nước dừa này được coi là nước khoáng thiên nhiên.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Thái Lan đã thông qua các kênh thương mại điện tử của Trung Quốc để tăng cường đưa dừa của mình vào thị trường đông dân nhất thế giới.

Ngoài việc thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc, Thái Lan cũng tích cực đa dạng hóa các sản phẩm từ dừa, cũng như mở rộng thị trường ra các nước ở châu Âu, châu Mỹ và Trung Đông.

Riêng năm 2020, nước Anh đã nhập khẩu nước dừa của Thái Lan lên tới 33 triệu USD. Hiện dừa của Thái Lan đã được xuất đi tới 119 quốc gia trên thế giới.

Việt Nam đang có gần 180.000 ha dừa tập trung tại các tỉnh duyên hải miền Trung và Đồng bằng Sông Cửu Long. Với diện tích này, cây dừa đang đứng thứ 4 trong các cây công nghiệp và đứng thứ 7 trong 93 nước trồng dừa trên thế giới.

Một tín hiệu đáng mừng là những năm gần đây, Bến Tre, tỉnh có diện tích dừa lớn nhất nước đang quan tâm đầu tư xây dựng dừa hữu cơ và phát triển xuất khẩu sang Trung Quốc. Hiện địa phương đã có hơn 7.000 ha ha dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, trong đó hơn một nửa đã đạt chứng nhận.

Doanh nhân Bỉ khởi nghiệp từ nước dừa Bến Tre Doanh nhân Bỉ khởi nghiệp từ nước dừa Bến Tre

VTV.vn - Một doanh nhân Bỉ 28 tuổi, đã 6 năm nay chỉ quan tâm đến nước dừa Việt Nam, nay đang tính tới chuyện mở rộng sang nhập khẩu nhiều dòng nông sản chế biến khác của Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước