Ảnh hưởng của dịch COVID19 đã khiến ngành bán lẻ trong nước lần đầu chứng kiến mức tăng trưởng xuống gần -30% trong tháng 4/2020. Mặc dù, tình hình những tháng gần đây đã được cải thiện, nhưng hiện vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với trước dịch.
Báo cáo doanh thu của nhà bán lẻ đầu ngành Thế giới di động cho thấy, lũy kế 7 tháng năm nay, doanh thu chuỗi bán lẻ thiết bị di động giảm đến 16% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi chuỗi bán lẻ hàng điện máy chỉ tăng trưởng thấp 1%.
Theo đại diện doanh nghiệp, một phần nguyên nhân là do dịch bệnh đã ảnh hưởng đến sức mua của người dân. Do đó trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tập trung phát triển các mô hình nhỏ gọn hơn, chẳng hạn như các chuỗi bán lẻ điện máy mini với diện tích trung bình chưa đến 2/10 mô hình trước kia.
Mặc dù, tình hình kinh doanh bán lẻ đã được cải thiện, nhưng hiện vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với trước dịch. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Theo báo cáo tổng hợp từ bộ phận nghiên cứu của chứng khoán Rồng Việt, tăng trưởng doanh số bán lẻ tại Việt Nam sau khi xuống mức âm gần 30% trong tháng 4, từ tháng 5 - 7 đã có dấu hiệu hồi phục nhưng hiện vẫn ở mức thấp so với trước dịch. Điều này thể hiện xu hướng "thắt lưng buộc bụng" trong chi tiêu của người dân và xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong 1 - 2 năm tới.
Ngay cả với bán lẻ trực tuyến, kênh được cho là hưởng lợi vì xu hướng mua sắm không tiếp xúc, các chiến lược để tiếp cận khách hàng hiện cũng phải bị điều chỉnh để phù hợp với túi tiền đã thắt chặt hơn của người dùng.
Dù bối cảnh khó khăn chung, nhưng vẫn có những ngành hàng như bách hóa, thực phẩm lại chứng kiến sự tăng trưởng mạnh do phù hợp với nhu cầu tiêu dùng mới. Đặc biệt với kênh trực tuyến, tốc độ tăng trưởng về lượng truy cập website của ngành hàng bách hóa tại Việt Nam qua 6 tháng đầu năm nay đã tăng đột biến hơn 40% so với cùng kỳ năm 2019. Do đó cơ hội tăng trưởng vẫn có, miễn là nhà bán lẻ đủ nhanh nhạy để nắm bắt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!