Người tiêu dùng có trách nhiệm bồi thường nếu đánh giá sai chất lượng sản phẩm

Thuỳ An-Thứ tư, ngày 15/02/2023 10:10 GMT+7

VTV.vn - Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, một số trường hợp người tiêu dùng lạm quyền đưa thông tin sai về sản phẩm nên phải có trách nhiệm bồi thường.

Có trường hợp người tiêu dùng lạm quyền

Tiếp tục phiên họp thứ 20, sáng 15/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung một khoản quy định về nghĩa vụ theo hướng người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mà mình đưa ra.

Người tiêu dùng có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.

Người tiêu dùng có trách nhiệm bồi thường nếu đánh giá sai chất lượng sản phẩm - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Ông Huy nêu rõ, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng ý kiến ĐBQH là xác đáng. Trên thực tế, một số trường hợp người tiêu dùng lạm dụng quyền của mình trong việc phản hồi, đánh giá và đưa thông tin sai sự thật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, gây ảnh hưởng đến uy tín, lợi ích hợp pháp của cá nhân, của tổ chức kinh doanh.

Do đó, việc bổ sung quy định này sẽ là cơ sở để phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức và giúp người tiêu dùng thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với hoạt động mua, bán và sử dụng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung trường hợp người tiêu dùng đưa thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến uy tín, lợi ích của cá nhân, tổ chức kinh doanh thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật về dân sự hoặc pháp luật có liên quan.

Theo ông Huy, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong trường hợp cung cấp dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.  

Việc bảo vệ người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ không bảo đảm chất lượng trong các lĩnh vực như viễn thông, tài chính, bảo hiểm… đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng một cách đầy đủ và đồng bộ, thống nhất với các luật chuyên ngành, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 35 về trách nhiệm đối với dịch vụ cung cấp không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, giao kết. Trong đó, khoản 4 đã quy định về yêu cầu bồi thường thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.

Một số ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn nội dung và giải pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các bên tham gia, giữa người bán và người mua.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị xem xét lại quy định bán hàng đa cấp là một hình thức bán hàng trực tiếp. Bởi lẽ hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, có thể được thực hiện trực tiếp hoặc trên không gian mạng hoặc là qua phương tiện viễn thông từ xa.

Trên thực tế, hoạt động bán hàng đa cấp có thể thông qua nhiều phương thức khác nhau như trực tiếp, qua điện thoại, các phần mềm ứng dụng trên thiết bị di động…

Vì vậy, từ kinh nghiệm quốc tế, pháp luật hiện hành và thực tiễn Việt Nam, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng việc quy định bán hàng đa cấp là một hình thức bán hàng trực tiếp là phù hợp.

Người tiêu dùng có trách nhiệm bồi thường nếu đánh giá sai chất lượng sản phẩm - Ảnh 2.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường

Phát biểu tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề cập tới vấn đề thu thập thông tin người tiêu dùng. Bởi hiện nay, nếu quy định như trong dự thảo luật sẽ không phù hợp với các giao dịch điện tử trực tuyến.

Khi thực hiện giao dịch thương mại trên nền tảng trực tuyến, thông tin người tiêu dùng là một trong những nội dung bắt buộc để có thể thực hiện giao dịch và thường là các thông tin về họ tên, địa chỉ, số điện thoại, thẻ ngân hàng hoặc tài khoản cho phép thanh toán. 

Ngoài ra, trong quy định của dự thảo luật có ghi bằng hình thức phù hợp thì cũng mang tính định tính, khó đảm bảo được tính khả thi, quy phạm do khó xác định được thế nào là phù hợp. Do đó, ông Cường cho rằng vấn đề này cần xem xét để chỉnh lý cho phù hợp với cái thực tiễn và chặt chẽ. Bởi khi tiến hành giao dịch thì những thông tin cần thiết rõ ràng phải được điền vào các thông số để thực hiện giao dịch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước