Người Việt ở nước ngoài xác thực sinh trắc học qua ứng dụng ngân hàng

Thùy Linh-Thứ sáu, ngày 13/12/2024 15:46 GMT+7

VTV.vn - Từ năm 2025, tài khoản ngân hàng, chứng khoán chưa xác thực sinh trắc học sẽ không thể thực hiện giao dịch.

Theo quy định trong các thông tư của Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm 2025, chủ tài khoản thanh toán hoặc chủ thẻ ngân hàng sẽ không thể thực hiện các giao dịch như rút tiền, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, nạp tiền online hay giao dịch tại ATM nếu chưa hoàn tất xác thực sinh trắc học và cập nhật giấy tờ tùy thân.

Chính vì vậy, thời gian gần đây, các ngân hàng thương mại, ví điện tử và công ty chứng khoán liên tục gửi thông báo nhắc nhở khách hàng nhanh chóng thực hiện xác thực sinh trắc học khi mốc thời gian 1/1/2025 đang đến gần.

Liên quan đến một số thắc mắc xung quanh việc xác thực sinh trắc học thông tin cá nhân trong trường hợp người Việt lao động ở nước ngoài không thể về nước, lãnh đạo Vụ Thanh Toán (Ngân hàng Nhà nước) mới đây cũng đã có những giải đáp cụ thể.

Theo đó, đối với người Việt Nam đang lao động ở nước ngoài và không thể về nước để thực hiện xác thực sinh trắc học trực tiếp, các ngân hàng đã triển khai một số giải pháp hỗ trợ từ xa.

Người Việt ở nước ngoài xác thực sinh trắc học qua ứng dụng ngân hàng - Ảnh 1.

Từ năm 2025, tài khoản ngân hàng, chứng khoán chưa xác thực sinh trắc học sẽ không thể thực hiện giao dịch.

Thứ nhất, xác thực qua ứng dụng ngân hàng: Nhiều ngân hàng cho phép khách hàng cập nhật thông tin sinh trắc học thông qua ứng dụng di động của họ. Quá trình này thường bao gồm việc chụp ảnh giấy tờ tùy thân và khuôn mặt để đối chiếu. Ví dụ, ứng dụng BIDV SmartBanking cung cấp hướng dẫn chi tiết về cách cài đặt và giao dịch xác thực bằng sinh trắc học. Còn Agribank thì có các ứng dụng Agribank Plus hoặc Agribank Retail eBanking cho người Việt đang làm việc vở nước ngoài có thẻ chủ động cập nhật...

Thứ hai, sử dụng ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) với khách hàng đã có tài khoản định danh điện tử mức độ 2, họ có thể sử dụng ứng dụng VNeID để xác thực sinh trắc học. Một số ngân hàng hỗ trợ tích hợp với VNeID để thực hiện xác thực từ xa.

Thứ ba, liên hệ với ngân hàng để được hỗ trợ đặc biệt. Trong trường hợp không thể sử dụng các phương thức trên, khách hàng nên liên hệ trực tiếp với ngân hàng qua các kênh hỗ trợ khách hàng để được hướng dẫn cụ thể về các giải pháp thay thế phù hợp với tình huống của mình. Lưu ý rằng việc xác thực sinh trắc học là bắt buộc để đảm bảo an toàn và bảo mật cho các giao dịch ngân hàng.

Do đó, người Việt Nam ở nước ngoài nên chủ động liên hệ với ngân hàng của mình để hoàn tất quá trình xác thực trước ngày 1/1/2025, tránh gián đoạn trong việc sử dụng dịch vụ ngân hàng. Nếu không muốn cập nhật trên ứng dụng, trong trường hợp người lao động về nước dịp cuối năm, có thể tranh thủ đến các quầy giao dịch, các ngân hàng sẽ ưu tiên hỗ trợ cập nhật.

Tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2024 vừa qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, sau hơn 3 tháng triển khai thực hiện xác thực sinh trắc học, biện pháp này cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc phòng, chống lừa đảo.

Theo đó, có khoảng 38 triệu lượt khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học thành công và số lượng vụ lừa đảo giảm đến 50%, số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo cũng giảm trên 70% so với trung bình 7 tháng năm 2024. Đặc biệt, tại một số đơn vị không phát sinh vụ việc lừa đảo trong tháng 8 và tháng 9.

Việc định danh tài khoản giúp người dùng bảo vệ tài khoản trước các rủi ro lừa đảo và các hành vi xâm nhập trái phép. Hệ thống cũng dễ dàng phát hiện các giao dịch bất thường và kịp thời đưa ra cảnh báo, đảm bảo an toàn tài sản của người dùng.

Sẽ ngừng giao dịch với tài khoản không xác thực sinh trắc học từ 2025 Sẽ ngừng giao dịch với tài khoản không xác thực sinh trắc học từ 2025

VTV.vn - Nhiều ngân hàng thương mại đang chủ động hỗ trợ khách hàng thực hiện việc sinh trắc học.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước