Thành phố 25 triệu dân và trung tâm sản xuất lớn của Trung Quốc, Thượng Hải đã bắt đầu mở cửa trở lại từ ngày 1/6 sau khoảng 2 tháng áp dụng những biện pháp chống dịch nghiêm ngặt. Trong thời gian đó, các thành phố phụ cận cũng gần như đóng cửa để kiểm soát sự lây lan nhanh chóng của COVID-19.
Tuy nhiên, việc Thượng Hải dần trở lại với nhịp sống thường nhật dù chậm cũng được xem là tín hiệu vui với nhiều ông lớn đang kinh doanh tại Trung Quốc trong đó có Apple.
Thành phố Thượng Hải đang trở lại với nhịp sống bình thường
Nhà phân tích Edmond Huang và nhóm nghiên cứu Credit Suisse cho biết: "Việc sản xuất phần cứng nói chung có thể dần trở lại mức bình thường vào tháng 6 và 7, với triển vọng sáng sủa hơn cho chuỗi cung ứng của Apple so với các mẫu điện thoại Android. Tuy nhiên, nguồn cung chất bán dẫn vẫn sẽ gặp nhiều vấn đề".
Lịch trình của iPhone 14 cơ bản "vẫn được giữ nguyên nhưng sản lượng ban đầu có thể sẽ nhỏ hơn.
Báo cáo của Credit Suisse cũng cho biết thêm, lịch trình của iPhone 14 cơ bản "vẫn được giữ nguyên" nhưng "sản lượng ban đầu có thể sẽ nhỏ hơn do sự chậm trễ trong sản xuất của một số mẫu hoặc thiếu hụt một số bộ phận, chip".
"Chúng tôi nghĩ rằng đơn đặt hàng sản xuất các mẫu iPhone vẫn sẽ tương tự như năm ngoái nhưng khối lượng sản xuất cuối cùng có thể thay đổi do nguồn cung bị gián đoạn", báo cáo của Credit Suisse nhấn mạnh thêm.
Apple hiện chưa phản hồi câu hỏi của CNBC về chủ đề này.
Triển vọng sáng sủa
Vào cuối tháng 4, gã khổng lồ công nghệ cho biết, gần như tất cả các nhà máy lắp ráp cuối cùng của công ty ở Thượng Hải đã trở lại sản xuất. Tuy nhiên, khoảng thời gian tạm ngừng hoạt động động để chống dịch có thể ảnh hưởng tới doanh số bán hàng trong quý hiện tại với mức thiệt hại ước tính từ 4-8 tỷ USD. Ngoài việc một số nhà máy phải tạm dừng hoạt động, tình trạng thiếu chip cũng là một yếu tố dẫn đến kết quả kinh doanh.
Tuần trước, Foxconn, đối tác lắp ráp lớn nhất của Apple cho biết, tác động của những biện pháp chống dịch nghiêm ngặt "không quá xấu" và "triển vọng cả năm của công ty còn tốt hơn dự kiến vào đầu năm".
Chuỗi sản xuất của Foxconn được đánh giá là rất linh hoạt
Foxconn cho biết, công ty có hơn 30 điểm sản xuất đang hoạt động bình thường ở nhiều khu vực quan trọng tại Trung Quốc đại lục. Dù vậy, công ty này cũng chuẩn bị sẵn sàng cho những tình huống diễn biến phức tạp của đại dịch. Foxconn đang lên kế hoạch cải thiện khả năng sản xuất "bong bóng".
Các nhà phân tích của Bank of America nhận định vào tháng 4 rằng, chuỗi cung ứng của Apple có tính linh hoạt cao hơn so với các nhà máy sản xuất điện thoại Android. "Nhà máy lắp ráp then chốt của Apple có khả năng phân bố nguồn lực đa dạng hơn nhiều", báo cáo của Bank of America nhận định.
Nhà máy lắp ráp then chốt của Apple có khả năng phân bố nguồn lực đa dạng.
Theo thống kê, chỉ có 5% công suất của Foxconn là ở phía đông thành phố Thượng Hải và tỉnh Giang Tô gần đó. Trong khi đó, cũng chỉ từ 10-20% công suất tập trung ở khu vực vịnh xung quanh Hong Kong và Thâm Quyến. Còn lại, là các nhà máy ở các khu vực quan trọng khác. CNCB đã liên hệ với Foxconn để bình luận thêm về câu chuyện này nhưng chưa nhận được câu trả lời.
Ngược lại, 80% công suất của các nhà máy sản xuất điện thoại Android tập trung ở khu vực vịnh Hong Kong, Thâm Quyến, đặc biệt là Thượng Hải, Tô Châu, Giang Tô, theo như báo cáo của Bank of America.
Android là hệ điều hành di động mã nguồn mở do Google phát triển, là nền tảng cho nhiều thương hiệu điện thoại thông minh Trung Quốc nổi tiếng như Oppo và Xiaomi.
Nhu cầu điện thoại thông minh ở thị trường Trung Quốc đang có xu hướng giảm
Tuy nhiên, các nhà phân tích của cả Bank of America và Credit Suisse đều nhận định, vấn đề lớn hơn đối với các nhà cung cấp điện thoại Android là sự phụ thuộc của họ vào thị trường Trung Quốc và nhu cầu nội địa đối với điện thoại thông minh giảm.
Theo Canalys, lượng điện thoại thông minh xuất xưởng tại Trung Quốc đại lục trong quý đầu tiên đã giảm 18% so với một năm trước. Con số này tệ hơn so với mức giảm toàn cầu là 11%. Canalys cũng lưu ý thị trường Trung Quốc đã hoạt động kém hiệu quả trong gần ba năm.
Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã phủ bóng đen lên thị trường tiêu dùng Trung Quốc vốn vẫn chưa phục hồi từ năm ngoái.
Theo Canalys, Apple đã duy trì mức tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm ngoái tại Trung Quốc đại lục, trong khi các thương hiệu như Oppo và Vivo có thị phần lớn hơn đã giảm lần lượt 44% và 34%.
Nhà phân tích Toby Zhu của Canalys cho biết: "Sự bùng phát của các biến thể mới khiến diễn biến dịch trở nên phức tạp cùng với các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt ở các thành phố lớn đã phủ bóng đen lên thị trường tiêu dùng Trung Quốc vốn vẫn chưa phục hồi từ năm ngoái".
"Để đối phó với việc các cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa đột ngột, sự chậm trễ về hậu cần, các nhà cung cấp phải áp dụng cách tiếp cận thận trọng hơn trong phân bổ hàng dự trữ. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lượng bán ra trong ngắn hạn", ông Toby Zhu nói thêm.
Theo chính quyền TP Thượng Hải, trong những ngày đầu tháng 6 hoạt động sản xuất tại đây đã được nối lại gần như bình thường. Các nhà máy sản xuất ô tô đang hướng đến khôi phục 100% công suất.
Chính quyền thành phố Thượng Hải đã thực hiện cùng lúc tới 50 biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong 8 lĩnh vực khác nhau, bao gồm việc cho phép hoãn và giảm thuế, kéo dài thời hạn thanh toán tiền thuê đất.
Tính đến ngày 4/6, tất cả các nhà máy sản xuất ô tô và linh kiện ô tô quan trọng tại khu công nghiệp Pudong, Thượng Hải đều đã nối lại hoạt động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!