Theo kế hoạch có những dự án sẽ phải hoàn thành vào cuối năm ngoái, tuy nhiên đến nay vẫn còn không ít các hạng mục dở dang.
Trước tình trạng này, Bộ Giao thông Vận tải mới đây cũng đã ra văn bản thúc tiến độ, yêu cầu các Ban quản lý dự án phải tập trung hoàn thiện các công việc liên quan để tránh lãng phí nguồn vốn đầu tư công.
Theo kế hoạch nâng cấp cải tạo, tại khu vực ga Tía, thuộc địa bàn huyện Thường Tín, TP Hà Nội sẽ làm thêm 2 nhánh đường sắt, tuy nhiên đến thời điểm này, công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa được thực hiện nên việc thi công vẫn đang dậm chân tại chỗ.
(Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Ngoài ra, 2 hạng mục khác gồm cải tạo nhà ga và làm đường gom tại ga Tía cũng chưa được triển khai. Tất cả đều do vướng mặt bằng. Điều này đang khiến nhà thầu thi công đối mặt với nhiều lãng phí.
"Do mặt bằng địa phương chưa giải phóng được nên nhà thầu cũng chưa tiến hành triển khai thi công. Điều đó khiến nhà thầu lãng phí về công tác huy động máy móc, thiết bị, vật tư ảnh hưởng đến tiến độ dự án", ông Vũ Đình Tuân, Giám đốc Công ty cổ phần công trình Long Hưng, cho biết.
Là 1 trong 2 đơn vị được Bộ Giao thông Vận tải giao làm chủ đầu tư 3 trong 4 dự án thuộc gói 7.000 tỷ đồng, đại diện Ban quản lý dự án đường sắt cho biết, đến thời điểm này, còn khoảng 5% khối lượng công việc chưa thể hoàn thành. Nguyên nhân lớn nhất chính là vướng mắc ở công tác giải phóng mặt bằng.
"Đối với công tác giải phóng mặt bằng của đường sắt ở đây trong dự án cải tạo sữa chữa nó bám theo đường sắt cũ thì dẫn tới việc tất cả đất bám đường sắt cũ hầu như bị vướng mắc về nguồn gốc đất là không rõ ràng, dẫn tới các địa phương ngay trong công tác giải phóng mặt bằng của người dân bám theo đường sắt để quy chủ xác định nguồn gốc đất và giá trị đền bù sẽ có vấn đề", ông Mai Minh Việt, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải, cho hay.
Còn với Ban quản lý dự án 85, phụ trách cải tạo đoạn đường sắt từ Vinh đến Nha Trang, đây là đơn vị được Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu cần có giải pháp cứng rắn để giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng theo đúng các quy định của pháp luật, đồng thời linh hoạt trong việc đẩy nhanh công tác thi công.
"Ban sẽ tiếp tục nỗ lực phối hợp với địa phương để sớm hoàn thành vào tháng 3/2023. Còn riêng với các gói thầu gia cố các hầm yếu, tiến độ của chúng tôi là tháng 10/2023,chúng tôi cam kết cố gắng hoàn thành", ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án 85, Bộ Giao thông Vận tải, nhấn mạnh.
Theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, đối với các hạng mục đường gom, nhà ga quá hạn mà địa phương không bàn giao mặt bằng, các Ban quản lý dự án báo cáo Bộ để dừng thực hiện các hạng mục này và bàn giao lại cho địa phương hoàn thiện nốt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!