3 năm trước, tuyến đường BOT quốc lộ 19 đoạn Gia Lai - Bình Định đã chính thức thông tuyến. Trong tổng đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng có gần 900 tỷ đồng là vay tín dụng với thời hạn 13 năm. Theo dự kiến, dự án sẽ hoàn vốn trong vòng hơn 20 năm. Tuy nhiên, hàng loạt các quy định mới ban hành về giảm mức thu phí đường bộ nên doanh thu chỉ đạt khoảng 80% so với trước đó, khiến phương án tài chính ban đầu của dự án bị phá vỡ. Để dự án không trở thành nợ xấu, việc giãn thời hạn cho vay là yêu cầu được đặt ra.
Theo phụ lục hợp đồng dự án BOT này đã ký với Bộ Giao thông Vận tải, cứ sau 3 năm, nhà đầu tư được tăng giá thu phí tối đa là 3%. Nhưng theo Thông tư 35 mà Bộ Giao thông Vận tải ban hành, điều khoản tăng giá thu phí đã bị bãi bỏ. Trong khi đó, nhà đầu tư vẫn phải bỏ ra gần 500 tỷ đồng để duy tu bảo dưỡng tuyến đường cả trước mắt và lâu dài.
Báo cáo tài chính của 17 ngân hàng đang niêm yết trên sàn cho thấy, tổng nợ xấu đã ở mức hơn 81.000 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm 2019. Thực tế này cho thấy nếu những vướng mắc tại các dự án BOT giao thông hiện nay không được giải quyết thì khoản dư nợ hơn 53.000 tỷ đồng của các dự án BOT giao thông sẽ có nguy cơ trở thành khoản nợ xấu trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!