Năm 2018 đánh dấu tròn 10 năm kể từ khi Mỹ tung ra chương trình nới lỏng định lượng đầu tiên. Bloomberg Economics dự báo đến cuối năm tới, lượng tài sản ròng mà các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới mua vào sẽ giảm xuống còn 18 tỷ USD mỗi tháng so với mức 126 tỷ USD của tháng 9/2017 và sẽ giảm xuống mức âm vào quý I/2019.
Đó là một kịch bản hợp lý phản ánh kinh tế thế giới cuối cùng đã tăng trưởng đủ mạnh để thúc đẩy lạm phát tăng, dù vẫn còn ở mức khiêm tốn.
Trong tuần này, bức tranh sẽ trở nên rõ ràng hơn khi đồng loạt các ngân hàng lớn là Norges Bank (Ngân hàng Trung ương Na Uy), Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ sẽ thông báo quyết định cuối cùng về chính sách tiền tệ của năm 2017. Tổng cộng các ngân hàng trung ương này thiết lập chi phí đi vay cho hơn 1/3 kinh tế thế giới. Ngoài ra, ít nhất 10 ngân hàng trung ương khác cũng sẽ có quyết định về lãi suất trong cùng thời điểm.
Citigroup và JPMorgan dự báo, các ngân hàng trung ương trên sẽ tích cực hơn với việc thắt chặt trong năm 2018 khi Citigroup ước tính, lãi suất bình quân của thế giới sẽ tăng từ 0,4 lên 1%. Trong khi JPMorgan cho rằng, lãi suất bình quân sẽ tăng lên tới 1,2%, tức gấp đôi mức tăng lãi suất của năm nay.
Ngoài ra, Citigroup dự kiến FED và Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) sẽ tăng lãi suất thêm 3 lần trong năm tới, trong khi các Ngân hàng Trung ương Anh, Australia, New Zealand, Thụy Điển và Na Uy tăng một lần. Lạc quan hơn, JPMorgan thì dự báo FED sẽ tăng lãi suất tới 4 lần.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, nếu quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ quá nhanh, có nguy cơ đảo ngược viễn cảnh kinh tế toàn cầu tương đối lạc quan vào năm sau, đặc biệt nếu giả định của các ngân hàng trung ương về Đường cong Phillips là sai lầm.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!