Kinh tế toàn cầu khó khăn, nhưng các hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào triển vọng kinh tế Việt Nam. Khảo sát do Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch (JETRO) cho thấy, 60% doanh nghiệp Nhật Bản sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Còn báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đánh giá Việt Nam là 1 trong 5 điểm đến đầu tư toàn cầu.
Sớm có mặt bằng sạch và hoàn thiện hạ tầng liên kết vùng là ưu tiên của nhà đầu tư Hàn Quốc khi lựa chọn địa điểm sản xuất tại Bắc Giang. Đây là nhà máy thứ 3 sản xuất tấm chống cháy sử dụng trong xây dựng công nghiệp dự kiến đi vào hoạt động vào giữa năm nay.
"Hiện nay nhu cầu xây dựng và mở rộng nhà xưởng khu vực phía Bắc của các nhà đầu tư Hàn Quốc, châu Âu đang tăng. Chúng tôi là nhà đầu tư thứ cấp nên việc đẩy nhanh tiến độ đi vào hoạt động của cụm công nghiệp sớm nhất rất thuận lợi để đảm bảo guồng sản xuất thời điểm này", ông Kwon Young Woon, Tổng Giám đốc Công ty Cơ khí và Xây dựng KP, cho biết.
Theo các hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài, nhu cầu về mặt bằng để xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp đang có xu hướng tăng dần. Hiện tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp từ 60 - 80%. Việc chậm trễ bàn giao mặt bằng đầu tư, sản xuất sẽ là rào cản đối với phát triển kinh tế.
Các hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào triển vọng kinh tế Việt Nam. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Khi các nhà đầu tư vào địa bàn huyện, chúng tôi công khai các quy hoạch để nhà đầu tư nắm được, nhưng cái khó khăn nhất thời điểm hiện nay là mặt bằng. Phải có mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư mới có thể thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất kinh doanh", ông Hoàng Công Bộ, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hoà, Bắc Giang, thông tin.
"Với các nhà đầu tư, cải cách môi trường đầu tư - kinh doanh, tăng tính ổn định và dễ dự báo của chính sách pháp luật là rất quan trọng. Nhu cầu đầu tư tại khu công nghiệp của chúng tôi vẫn duy trì ổn định, các nhà đầu tư lâu năm vẫn cam kết mở rộng đầu tư trong dài hạn", ông Hans Kerstens, Giám đốc Quản lý Khu công nghiệp DEEP C, nhận định.
Tại Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài vừa diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ với những khó khăn của các nhà đầu tư trong bối cảnh chung của kinh tế thế giới. Thủ tướng nhấn mạnh sẽ đặc biệt quan tâm, sớm có những giải pháp mới mang tính đột phá để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, trên tinh thần hai bên cùng thắng, cùng Việt Nam phát triển.
"Qua ý kiến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tôi thấy nổi lên một số vấn đề: phản ứng chính sách; giải quyết thủ tục hành chính; phê duyệt dự án; tháo gỡ khó khăn về pháp lý; đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn là chưa kịp thời, linh hoạt, chưa mang lại hiệu quả cao. Vì vậy, tôi đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tinh thần trách nhiệm cá nhân của mình, vì nước, vì dân, vì sự phát triển của doanh nghiệp, chủ động giải quyết kịp thời những vướng mắc mà các nhà đầu tư kiến nghị với trách nhiệm cao nhất, kịp thời, hiệu quả nhất. Chính phủ sẽ có cơ chế và kế hoạch kiểm tra các bộ, ngành, địa phương thực hiện chỉ đạo này", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Niềm tin nhà đầu tư với Việt Nam
Trước cam kết và chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ, cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài cam kết tiếp tục kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.
Ngay tại hội nghị, 3 tập đoàn thông báo kế hoạch đầu tư mới và mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong năm nay, với tổng vốn đầu tư lên tới 3,7 tỷ USD.
"Chúng tôi đánh giá cao những giải pháp ưu tiên của Chính phủ hướng tới giải quyết các thủ tục hành chính, đảm bảo tính minh bạch và giảm thiểu chi phí không chính thức trong bối cảnh chi phí tăng cao tác động mạnh tới sản xuất kinh doanh", ông Nakajima Takeo, Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, đánh giá.
"Báo cáo về môi trường đầu tư kinh doanh của chúng tôi từ cuối năm ngoái đã nhận định nhiều khó khăn kể từ đầu năm nay. Tuy nhiên đến nay niềm tin các nhà đầu tư châu Âu đã tăng trở lại nhờ việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và sự điều hành linh hoạt về chính sách tiền tệ, tài khóa", ông Torben Minko, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, cho biết.
"Chính phủ đã kịp thời thành lập các tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường vốn, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn về thanh khoản, áp lực lạm phát tăng. Các tổ công tác được Chính phủ thành lập như vậy cho thấy phản ứng kịp thời, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp", ông Nitin Kapoor, Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, nhận định.
"Tình hình sản xuất chip và chất bán dẫn đang giảm do ảnh hưởng chung từ nhu cầu, nhưng chúng tôi vẫn duy trì hoạt động sản xuất tại Việt Nam. Nhu cầu chip sản xuất tại Việt Nam của các nhà đầu tư lớn vẫn cho thấy tín hiệu tích cực so với nhiều quốc gia khác. Đây là thời điểm để chúng tôi tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để sẵn sàng cho thời điểm thị trường phục hồi", ông Kim Sung Hun, Tổng Giám đốc Công ty Amkor Technology, cho biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!