Trong khi vui mừng vì đã có thể hoạt động trở lại, nhiều doanh nghiệp lại đang phải ứng phó với mối lo từ việc thiếu hụt nguồn lao động sau đại dịch.
Kể từ khi có thể mở cửa trở lại, nhà hàng Barzura nằm ở khu vực ngoại ô Sydney đang vô cùng tấp nập, đón các khách hàng tới du lịch tại bãi biển ở khu vực này. Tuy nhiên, cùng với đó là một mối đau đầu dành cho ông chủ nhà hàng.
"Các khách hàng rất nhiệt tình và không ngại chi tiêu, đặc biệt là các sản phẩm cao cấp. Tuy nhiên vấn đề là bây giờ chúng tôi không có đủ người để phục vụ khách", ông Rodney Sen - chủ nhà hàng Barzura Cafe cho hay.
Câu chuyện trên cũng đang trở nên tương đối phổ biến với nhiều nhà hàng tại Sydney và Melbourne - hai thành phố lớn vừa nới lỏng các lệnh phong tỏa chống dịch đã kéo dài nhiều tháng.
Australia mới đây đã nới lỏng nhiều hạn chế với các dịch vụ không thiết yếu như các nhà hàng. (Ảnh minh họa - Ảnh: The New York Times)
Nguyên nhân chính là dịch bệnh đã kéo giảm mạnh lượng lao động nước ngoài tại Australia. Tính tới hết quý III năm nay, lượng người nước ngoài có giấy phép lao động giảm tới 2/3, lượng du học sinh tại Sydney cũng đã giảm hơn một nửa so với trước đại dịch.
Các chủ nhà hàng hiện khó có cách ứng phó nào khác ngoài tăng lương nhằm thu hút và giữ chân nguồn lao động sẵn có.
Ông Rodney Sen cho hay: "Chúng tôi đang tăng lương từ 20 - 30% cho bất cứ nhân viên nào từ 18 tuổi trở lên, cho thấy sự hào phóng của mình và hi vọng họ sẽ không đi tìm việc khác".
Hiện giới chức tại bang New South Wales mà Sydney là thủ phủ cũng đang bắt đầu mở cửa nhập cảnh với du học sinh và người lao động quốc tế, với kỳ vọng sẽ có thêm 400 nghìn lao động nhập cư vào Australia trong năm tới để đáp ứng nhu cầu tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!