Nhận định chứng khoán tuần từ 2/8 - 6/8: Bước vào sóng tăng mới?

Theo TTXVN-Chủ nhật, ngày 01/08/2021 06:42 GMT+7

VTV.vn - Trước diễn biến thị trường chứng khoán tuần qua, nhiều công ty chứng khoán có góc nhìn lạc quan về xu hướng của thị trường trong tuần tới (từ 2/8 - 6/8).

Chỉ số chứng khoán Việt Nam tăng mạnh trong phiên cuối tuần qua (từ 26/7 - 30/7), đi kèm đó là dòng tiền quay trở lại và khối ngoại mua dòng.

Xu thế hồi phục đã hình thành

Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán BOS (BOS) cho rằng về kỹ thuật, VN-Index vượt xa mốc 1.300 điểm kèm theo sự tăng lên của thanh khoản vào phiên cuối tuần (30/7), cho thấy xu thế hồi phục của thị trường đã hình thành.

Nhận định chứng khoán tuần từ 2/8 - 6/8: Bước vào sóng tăng mới? - Ảnh 1.

Chỉ số chứng khoán Việt Nam tăng mạnh trong phiên cuối tuần qua. (Ảnh minh họa: NLĐ)

"Các chỉ báo kỹ thuật đều ủng hộ khả năng thị trường tiếp tục tăng điểm trong các phiên tới. Nhiều khả năng, VN-Index sẽ duy trì đà tăng và hướng tới vùng 1.330 điểm trong tuần tới", BOS nhận định.

Cũng có góc nhìn tích cực, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) nêu quan điểm, phiên cuối tuần qua (30/7), thị trường chứng khoán tăng thuyết phục cả về điểm số và thanh khoản để vượt ra ngoài vùng tích lũy kéo dài 3 tuần vừa qua, cùng với khối ngoại mua ròng mạnh.

Dòng tiền vào mạnh và độ rộng thị trường cũng rất tích cực, đây là phiên thanh khoản đạt mức cao nhất 3 tuần, với tổng giá trị khớp lệnh đạt gần 20.153 tỷ đồng. Đà bứt phá của thị trường từ vùng tích lũy đang được thanh khoản hỗ trợ giúp thị trường củng cố nhịp tăng mới. Bên cạnh đó, giao dịch khối ngoại tích cực khi quay trở lại mua ròng với tổng giá trị gần 500 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Thị trường đã bước vào sóng tăng mới nhờ sự hỗ trợ của thanh khoản và sự đồng thuận của các nhóm cổ phiếu lớn, bên cạnh các nhóm cổ phiếu tăng trưởng mạnh quý II/2021, MBS dự báo.

Có góc nhìn thận trọng hơn, chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng, sau 3 tuần liên tiếp giảm điểm, thị trường mà đại diện là chỉ số VN-Index đã có tuần hồi phục trở lại, nhưng thanh khoản giảm nhẹ và tiếp tục thấp hơn mức trung bình 20 tuần gần nhất cho thấy lực cầu mua lên là chưa thực sự mạnh, nhà đầu tư vẫn đang thận trọng với xu hướng thị trường.

Điểm tích cực là việc khối ngoại quay trở lại mua ròng nhẹ, khoảng gần 700 tỷ đồng trên hai sàn trong tuần qua.

Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index hiện đang tiến vào vùng kháng cự tương ứng với mục tiêu của sóng hồi hiện tại nên dư địa để tiếp tục tăng trong tuần tới có thể không còn nhiều và rung lắc có thể diễn ra thường xuyên hơn.

Theo đó, trong tuần giao dịch tiếp theo (từ 2/8 - 6/8), thị trường có khả năng sẽ bước vào giai đoạn rung lắc khi mà áp lực chốt gia tăng trong vùng kháng cự 1.300 - 1.350 điểm.

Về diễn biến thị trường tuần qua, kết thúc tuần giao dịch (từ 26 - 30/7), VN-Index tăng 41,22 điểm lên 1.310,05 điểm; HNX-Index tăng 13,08 điểm lên 314,85 điểm.

Thanh khoản trên hai sàn suy giảm so với tuần trước đó và tiếp tục thấp hơn mức trung bình 20 tuần gần nhất, với trung bình khoảng 19.100 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.

Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 7,3% xuống 84.860 tỷ đồng, tương ứng khối lượng giảm 9,5% xuống 2.585 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 2,9% xuống 10.878 tỷ đồng, tương ứng khối lượng giảm 10,8% xuống 444 triệu cổ phiếu.

Thị trường tăng điểm giúp cho toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu đều có sự hồi phục nhất định.

Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu tăng mạnh nhất với 5,1% giá trị vốn hóa. Các mã cổ phiếu trụ cột trong nhóm này tăng mạnh mẽ như: HPG tăng 3,3%, HSG tăng 6,7%, NKG tăng 7%...

Tiếp theo là nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin với mức tăng 4,3% giá trị vốn hóa. Các mã tiêu biểu trong ngành như: FPT tăng 3,9%, CMG tăng 18,2%...

Nhóm trụ cột thị trường là ngân hàng tăng 3,7% giá trị vốn hóa. Các cổ phiếu như: VCB tăng 1%, BID tăng 2,2%, TCB tăng 3,2%, MBB tăng 4,1%, VPB tăng 4,3%, SHB tăng 5,3%, CTG tăng 5,8%, ACB tăng 9,5%...

Ngành hàng tiêu dùng tăng 3,6% giá trị vốn hóa, nhờ BHN tăng 5%, SAB tăng 3,5%, MSN tăng 12,6%.

Các nhóm còn lại đều có mức tăng khá tích cực như nhóm công nghiệp tăng 3,2% giá trị vốn hóa, dầu khí tăng 3,1%, dịch vụ tiêu dùng tăng 2,7%, tài chính tăng 2,5%, tiện ích cộng đồng tăng 1,3%, dược phẩm và y tế tăng 1,2%.

Thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục mạnh, trong bối cảnh các thị trường chứng khoán thế giới diễn biến tiêu cực.

Chứng khoán thế giới giảm điểm

Phiên cuối tuần (30/7), thị trường chứng khoán châu Á đi xuống, khép lại một tuần giao dịch đầy biến động.

Cụ thể, tại thị trường Trung Quốc chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 1,4% xuống 25.961,03 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite giảm 0,4% xuống 3.397,36 điểm.

Nhận định chứng khoán tuần từ 2/8 - 6/8: Bước vào sóng tăng mới? - Ảnh 2.

Thị trường chứng khoán châu Á khép lại một tuần giao dịch đầy biến động. (Ảnh minh họa: AP)

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,8% xuống 27.283,59 điểm. Chứng khoán Sydney, Seoul, Wellington, Đài Bắc, Jakarta và Manila đều nằm trong vùng âm, trong khi chứng khoán Singapore và Mumbai tăng.

Tại thị trường chứng khoán Mỹ, các chỉ số chốt phiên cuối tuần giảm điểm và giảm trong tuần qua, do những lo ngại về sự gia tăng số ca mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Cụ thể, chốt phiên giao dịch 30/7, chỉ số Dow Jones giảm 149,06 điểm xuống 34.935,47 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 23,89 điểm xuống 4.395,26 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite giảm 105,59 điểm xuống 14.672,68 điểm.

Một số nhà phân tích nêu lên những lo ngại về biến thể Delta khi tài liệu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho thấy mối quan ngại ngày càng gia tăng về sự lây lan của biến thể này. Theo tài liệu này, biến thể Delta có thể dễ dàng lây lan từ những người đã và chưa tiêm vaccine và lây lan như bệnh thủy đậu.

Trong khi đó, lạm phát tại Mỹ tiếp tục tăng mạnh trong tháng 6, với chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) theo dõi tăng 0,5% so với tháng 5 và tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, vẫn là mức cao nhất trong 13 năm. Điều này khiến chi phí sinh hoạt của người tiêu dùng tăng và gây áp lực lên đà phục hồi của nền kinh tế sau những tác động của đại dịch.

Trong cả tuần, chỉ số Dow Jones và S&P 500 cùng giảm 0,4%, trong khi chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,1%.

Dòng tiền chứng khoán đang ở đâu? Dòng tiền chứng khoán đang ở đâu?

VTV.vn - Từ vùng 1.420 điểm, VN-Index có lúc mất tới hơn 14%. Thanh khoản từ hơn 30.000 tỷ đồng/phiên, giờ có lúc chỉ 11.000 - 12.000 tỷ đồng/phiên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước